Công cuộc nuôi dạy con trẻ chính là công trình to lớn và vĩ đại nhất của các bậc cha mẹ. Cho dù nền giáo dục của một quốc gia có tốt đẹp đến thế nào, thì cái nền móng của nhân phẩm con người vẫn bén rễ sâu sắc với chính bối cảnh gia đình của người đó. Chúng ta nói rất nhiều về việc cho trẻ học cái này, học cái kia, nhưng chưa có ai thật sự quan tâm và đào sâu nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lối giáo dục trong các gia đình – nơi bắt đầu của mọi sự giáo dục.
Ông bà ta có câu: “Thương cho roi cho vọt”!
Trong lịch sử có lẽ câu nói đó đã được ứng dụng một cách rộng rãi và hiệu quả bởi một xã hội phong kiến, gia trưởng. Để rồi đến khi những thế hệ “nhận roi vọt” lớn lên, họ sẽ là những người đầu tiên phản đối lại hướng dạy dỗ đó. Ngày nay, chúng ta đang có một thế hệ “thương cho ngọt cho ngào”. Và bất kì ai cũng thấy những biểu hiện của điều này ở khắp mọi nơi với khẩu hiệu giương cao “Hãy tôn trọng trẻ”, “Hãy làm bạn/chuyện trò với con của mình”,… Nhất là trong bối cảnh “hãy dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt” cùng đời sống vật chất đầy đủ sung túc, một đứa trẻ được vây quanh bởi sự yêu thương, chiều chuộng của cả một đại gia đình. Chúng được đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu. Chúng được trao quyền để lựa chọn, để quyết định, để tự chủ. Chúng được phép nói chuyện ngang hàng với người lớn. Chúng được “tôn trọng”!
Và kết quả, chúng ta có những đứa trẻ thấy mình “là cái rốn của vũ trụ”. Ngày xưa, ba mẹ là ba mẹ; ngày nay, con cái là ba mẹ. Những đứa trẻ cáu gắt, lớn tiếng quát tháo, trong khi ba mẹ lúc nào cũng phải lựa giọng điệu nhẹ nhàng và ấu yếm. Những đứa trẻ quằn quại vòi vĩnh trong khi ba mẹ cố gắng thuyết phục để hi vọng con thấu hiểu. Những đứa trẻ thoải mái đánh thùm thụp vào người ba và mẹ của chúng. Và những ba mẹ có buồn bực, có tức giận cũng phải cố mà nén vào trong và chỉ cho phép mình phải cư xử nhẹ nhàng với con. Vậy là chúng ta có những “Bạo chúa nhỏ” ra đời.
Bạn có biết những “bạo chúa nhỏ” thật ra là những đứa trẻ nhận được khá nhiều thiệt thòi?
Chúng là những đứa trẻ quá đủ đầy, chỉ cần yêu cầu là được đáp ứng, bao nhiêu người lớn chạy theo phục vụ để rồi không có được trong người sự trân trọng, biết ơn với bất kì điều gì. Những đứa trẻ đã từng được trao cho quyền lựa chọn quá nhiều khi còn nhỏ xíu, khi chưa có đủ khả năng để ra quyết định và lựa chọn dẫn đến khi trưởng thành mãi chẳng thể nào xác định được một vấn đề gì một cách rõ ràng. Và chúng ta có những thế hệ được phép giảm đi lễ nghĩa, phép tắc để rồi thiếu đi bên trong mình sự tôn kính, một sự tôn kính cần thiết sẽ đưa con người chạm đến các giá trị cao nhất của con người – của những người xung quanh và của chính bản thân người đó. Các giá trị của Hạnh phúc vốn vẫn hiện hữu ở mọi nơi, nhưng chúng ta liệu có đủ những “công cụ” để nắm bắt được nó hay không. Một phần của những “công cụ” đó là Sự chấp nhận, Sự Trân Trọng biết ơn, Sự suy nghĩ rõ ràng. Phải chăng, trong cách nuôi dạy của mình, chúng ta đang từ từ tước mất những điều kiện cần thiết để đứa trẻ của chúng ta đạt đến những Hạnh Phúc Chân Thực trong cuộc sống của nó.
Những bậc cha mẹ, nếu không đủ khéo léo và tinh tế, chúng ta rất có thể bị rơi vào tình huống rằng mình bị đẩy từ thái cực này đến thái cực khác trong quá trình nuôi dạy con cái. Đôi khi những gì chúng ta đang mang đến cho con, đối xử với con thật ra xuất phát từ chính sự thiếu thốn của đứa trẻ bên trong chúng ta chứ không phải ở những gì mà con của chúng ta thật sự cần. Công việc dạy dỗ trẻ cần rất nhiều sự thức tỉnh, chúng ta yêu thương nhưng không đắm chìm vào đó, ngược lại chúng ta cần không ít sự khách quan để có những cái thấy về bản chất của đứa trẻ trước mình cũng như nhìn thấy chính bản thân mình.
Đôi khi ta cảm nhận được rằng, những đứa trẻ đến đây chúng dường như không thật sự cần sự dạy dỗ của ta mà chúng chính là những người thầy dạy cho chúng ta thật nhiều bài học giá trị về yêu thương, về sự dính mắc, sự chấp nhận, thấu hiểu và bao dung.