Chúng tôi đang tuyển sinh khối mầm non. Ba mẹ có thể tìm hiểu thêm tại đây nhé.

Một số ba mẹ muốn nuôi dưỡng cho con thói quen đọc sách nên muốn đem sách đến cho con từ khi con còn nhỏ. Khi bạn muốn xây dựng một thói quen nào đó việc bạn đưa đến sớm và lặp đi lặp lại với nhịp điệu ổn định sẽ có hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở thói quen, chúng ta cần xem xét những phẩm chất mà thói quen đó mang lại. Nội dung, đối với trẻ đặc biệt quan trọng. Một nội dung sách hay truyện có thể giúp nuôi dưỡng sự phát triển của tư duy nhưng cũng có thể làm phá hỏng không chỉ tư duy mà cả cơ thể vật lý của trẻ. Bằng việc xem xét qua về trí tưởng tượng, chúng ta sẽ nói đến việc tương tác với sách/truyện cùng trẻ như thế nào.

Giờ sinh hoạt vòng tròn với các câu chuyện kể sinh động và cuốn hút trẻ.

Những cuốn sách mang đến các câu chuyện. Và càng nhỏ tuổi câu chuyện càng đơn giản.

Trẻ trong bụng mẹ hoặc mới sinh có cần đọc sách cho con không? Không cần, bởi lúc đó, những gì trẻ ghi nhận nhiều nhất chính là giọng nói của mẹ chứ không phải nội dung. Trẻ lớn lên một chút, khi ngồi vững, các con quan tâm đến việc lật sách hơn là các trang sách.

  • Trẻ 1-2 tuổi

Trẻ có thể vẫn thích lật sách nhưng chúng bắt đầu có khả năng chú ý vào các hình trong sách. Tất cả những gì bạn cần đối với một cuộc sách là những hình vẽ về các đồ vật quen thuộc xung quanh trẻ: cái ly, cái chén, cái dĩa, con mèo, con chó,… Cuốn sách này có thể được tạo ra bởi chính người mẹ. Mẹ tự vẽ hình để làm sách cho con.

  • Trẻ 2-3 tuổi

Những cuốn sách hình vẽ đẹp, mơ màng. Không cần chữ bởi nội dung câu chuyện bạn có thể tự tạo ra trên các hình vẽ đó khi đọc sách với con. Bạn có thể thấy, hình ảnh lúc này đem lại một chút gợi mở cho trí mộng tưởng. Nhưng cần lưu ý, hình ảnh càng mơ mộng càng tốt, hình ảnh quá chi tiết sẽ khiến trẻ mất chỗ để điền vào những tưởng tượng của riêng mình.

Trẻ độ tuổi này cũng rất thích thơ, vè, đồng dao. Những âm thanh có nhịp điệu, lặp đi lặp lại rất tốt cho sự phát triển ngôn ngữ của con. Vì thế, nếu câu chuyện bạn mang đến có tính thơ sẽ càng là điều tuyệt vời. Một cuộc sách ca dao, đồng dao dân tộc với những hình ảnh đơn giản, mơ mộng sẽ rất tuyệt cho các ba mẹ

Về kể chuyện, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi phù hợp với những câu chuyện về những thứ đời thường xung quanh các con được kể theo một lối giàu tưởng tượng. Đó là những câu chuyện về thiên nhiên: cây cỏ, sâu, bướm, chú chó, chú mèo, về mẹ, về ba,… và tất nhiên, chúng cần giản dị.

Kể chuyện rối là một trong những hoạt động đặc trưng của Mầm non Steiner

  • Trẻ 3-5 tuổi:

Chúng ta sẽ khó có thể phân tách rạch ròi lúc nào là sự phát triển của mộng tưởng và tưởng tượng. Chúng đan xen lẫn nhau, 3- 5 tuổi là giai đoạn như vậy. Đứa trẻ bắt đầu có “đủ sức” để vươn lên những sự tưởng tượng cao hơn. Sự thần tiên, diệu kì xa hơn một chút với đời sống hàng ngày bắt đầu phát huy. Thế giới thần tiên, thế giới cổ tích thích hợp để mang đến vào thời gian này. Những câu chuyện cổ tích trong các nền văn hóa, với nhiều sự lặp đi lặp lại, nội dung không quá dài, là những gì mà trẻ cần vào độ tuổi này. Truyện cổ tích thật sự chưa phù hợp cho trẻ nhỏ trước 3 tuổi.

Và bên cạnh đó, tất nhiên, trẻ vẫn thích thú với những câu chuyện thiên nhiên. Bạn có thể mang các hiện tượng tự nhiên: hoa nở, xuân sang, đông về,… bằng những cách đầy trí tưởng tượng đến cho các con. Nó nuôi dưỡng bên trong các con những sự kết nối tốt đẹp với thế giới tự nhiên và tạo nên những phẩm chất vô cùng lành mạnh trong tâm hồn. Khả năng nhìn thấy thế giới một cách sống động là điều mà những đứa trẻ vốn đầy ắp, ngày nay với việc sống giữa thành phố tập nập các con mất cơ hội kết nối, tâm hồn trở nên khô cứng, như những người lớn đang gặp phải.

Trí nhớ phát triển hơn cùng với những năng lực mộng tưởng, tưởng tượng mạnh mẽ hơn, câu chuyện đem đến các chất liệu trong trẻ để trẻ thể hiện ra trong việc chơi của mình. Trẻ kể lại chuyện bằng những vật liệu khi chơi, trẻ tương tác với bạn bè bằng các câu chuyện có bên trong mình, trẻ thậm chí dựa trên đó, sáng tạo rất nhiều các chi tiết khác nhau. Đó là những lối chơi vô cùng lành mạnh và phát triển toàn bộ con người trẻ từ thể chất, tâm hồn đến trí tuệ.

Trẻ 3 – 5 tuôi có khả năng theo dõi chú tâm xuyên suốt câu chuyện và bày tỏ cảm xúc với các tình tiết xảy ra.

  • Trẻ 5-7 tuổi:

Đối với việc kể chuyện, những câu chuyện trở nên phức tạp hơn.Khi trẻ 6 tuổi trở lên, trong nhà bắt đầu có các cuốn truyện dày đôi khi chẳng có hình. Trẻ muốn được đọc truyện hằng đêm. Những câu chuyện phức tạp, với nhiều tình tiết được đứa trẻ đắm chìm một cách say mê. Bạn thấy rõ ở đó năng lực của trí tưởng tượng phát triển, bạn đọc đến đâu trong đầu trẻ đã hiện ra hình ảnh đến đấy.

Khi trẻ xem sách, độ tuổi này các con có thể có nhu cầu về những cuốn sách truyện có hình ảnh chi tiết hơn những độ tuổi trước đó. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tìm những cuốn sách giữ sự mơ mộng của hình ảnh thay vì các đường nét gãy gọn, rối rắm. Sẽ thật tốt nếu bạn kể câu chuyện đó banwgf lời trước rồi cho trẻ xem sách sau. Khi bạn đưa cuốn sách, trẻ sẽ nhận ra câu chuyện ngay, thậm chí chúng có thể cầm đọc như thật.

Trẻ lớn thích việc tạo hình dạng. Trẻ sẽ đưa chuyện vào trong tranh vẽ của mình. Đương nhiên, trước đó, bạn đã cho con tiếp cận nghệ thuật một cách tự do. Nếu cách tiếp cận rập khuôn với việc vẽ, trẻ không thể vẽ ra được những gì bên trong chúng. Việc từ trong đầu óc, tâm hồn đưa ra được đôi bàn tay là một điều vô cùng ý nghĩa đối với con người. Một khả năng chữa lành tự thân. Đó là lý do thông qua hoạt động nghệ thuật các công việc chữa lành được thực hiện. Trẻ nghe chuyện, thấm nhuần và vẽ chúng ra tranh của mình, khi nhìn 1 bức tranh của trẻ với mức độ chi tiết, màu sắc thế nào chúng ta có thể nhìn ra được sự phát triển của tâm hồn và nhận thức bên trong các con.

02363630686