Khi nghĩ về việc giáo dục một con người chúng ta hay nghĩ về việc giáo dục cái đầu. Nhưng đó cũng chính là một trong những sai sót lớn của các quan điểm giáo dục. Chúng ta được dạy để trở nên thông minh, tài giỏi nhưng chúng ta không được làm sao để giải quyết các vấn đề nội tâm của mình. Nghệ thuật là sân chơi của tâm hồn. Việc nuôi dưỡng các yếu tố nghệ thuật với góc nhìn đúng đắn giúp phát triển một đời sống cảm xúc lành mạnh và một tâm hồn dồi dào sức sống.
Giáo dục Waldorf – Steiner được biết đến như một nền giáo dục rất chú trọng đến các yếu tố nghệ thuật. Dưới các hình thái của nghệ thuật các biểu hiện của tính con người rất đáng được ngưỡng mộ. Khác với giáo dục truyền thống, trong giáo dục Waldorf – Steiner, tâm hồn của con người là trọng tâm của tất cả mọi sự tiếp cận. Thông qua việc nuôi dưỡng một tâm hồn khỏe mạnh, một người có khả năng làm chủ chính bản thân mình và thực hiện mọi điều mình muốn trong cuộc đời trên một sự vững chãi và hòa hợp với xã hội.
Ngay từ khi còn ở mầm non, các yếu tố về nghệ thuật đã được mang đến cho trẻ. Vẽ màu nước, vẽ màu sáp, tạo hình sáp ong, nhuộm vải, in hoa lá, thủ công, âm nhạc,….những công việc này được tổ chức với những sự hiểu biết rõ ràng về sự phát triển của trẻ vào từng thời điểm để đem lại các tác động nuôi dưỡng tốt nhất. Khi xem bức tranh vẽ của đứa trẻ nhỏ chúng ta cần phải hiểu rằng, trẻ không phải vẽ về thế giới, chúng vẽ nội tâm của mình. Ngày nay, các kĩ thuật về vẽ với trẻ nhỏ được đưa vào ứng dụng như các liệu pháp phát hiện và trị liệu các khó khăn trong tâm hồn của các con. Tương tự như vậy, âm nhạc, tạo hình, thủ công,… những hoạt động đó giúp các con thể hiện các cảm xúc của mình, phát triển sự khéo léo của đôi tay và thể hiện ra các năng khiếu bẩm sinh của mình.
Đặc biệt, nếu có cơ hội tham dự vào một giờ hoạt động của lớp mầm non Waldorf – Steiner, phụ huynh sẽ thấy không bao giờ có một khuôn mẫu nào cho nghệ thuật được đưa ra. Trẻ không bao giờ phải vẽ theo mẫu, tô màu vào các hình có sẵn, hay nặn theo hình nào cho trước,… tất cả đều được mở ra để đứa trẻ được thỏa sức sáng tạo. Điều này giúp bảo vệ sự phóng khoáng trong tâm hồn, phát triển tư duy tự do là những yếu tố chính yếu để phát triển những nhà nghệ thuật tài ba sau này. Các năng khiếu bẩm sinh của trẻ đã có thể được phát hiện ngay từ khi các con còn rất nhỏ, nhưng chúng rất cần được bảo vệ nuôi dưỡng để có thể thực sự nở rộ trong tương lai.
Trẻ em là những nhà quan sát và bắt chước tài ba. Nắm được điều này, nghệ thuật còn là yêu cầu đặt ra đối với bản thân người giáo viên. Họ cũng cần đưa tất cả các công việc của mình lên ở mức cao của cái đẹp mà thường được gọi là nghệ thuật nội trợ: ủi khăn, xếp đồ, rửa dọn, thêu thùa, may vá, chuyển động đi, đứng, nói năng,…, Bằng cách mang các yếu tố nghệ thuật đẹp đẽ vào trong môi trường chúng ta cho trẻ một cơ hội để học tập các hình mẫu tốt đẹp về thế giới của con người. Trẻ nhỏ cần điều đó, hình dung tốt đẹp về thế giới là chất liệu để xây dựng nên sự tự tin và cảm giác an toàn bên trong đồng thời cũng giúp xây dựng nên những tiêu chuẩn về về thẩm mỹ hay các phẩm chất đạo đức.
Rất nhiều ba mẹ bước chân đến những ngôi trường Steiner như trường Sunflower, họ chưa cần nghe bất kì lời giới thiệu nào về phương pháp hay các thông tin về trường nhưng họ chỉ cần dạo quanh một vòng, nhìn thấy cái đẹp hiện hữu ở không gian, ở những con người làm việc, ở cả những đứa trẻ họ đã ngay lập tức đã có các quyết định của mình. Đôi khi chúng ta không cần một lời nói nào cho những giá trị chân thật.