Chúng tôi đang tuyển sinh khối mầm non. Ba mẹ có thể tìm hiểu thêm tại đây nhé.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang bùng phát dịch bệnh tay chân miệng với diễn biến phức tạp. Đây là bệnh lý thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ nhỏ độ tuổi mầm non, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa. Vậy bệnh tay chân miệng nguy hiểm như thế nào? Mức độ lây lan bệnh ra sao ba mẹ cùng tìm hiểu bài viết ngay dưới đây cùng Sunflower Steiner nhé.

5 điều ba mẹ cần biết về bệnh tay chân miệng

1. Bệnh tay chân miệng là gì? dấu hiệu nhận biết bệnh.

Bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hoá thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Dấu hiệu nhận biết khởi phát bệnh

  • Sốt
  • Đau họng
  • Tổn thương niêm mạc miệng và da. Chủ yếu dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

2. Bệnh tay chân miệng có lây không?

Bệnh tay chân miệng là bệnh thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao và khả năng thành dịch bệnh lớn. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ và thường lây lan nhanh từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của trẻ nhiễm bệnh. Hoặc qua đồ vật có dính virus tay chân miệng.

Bên cạnh đó, nếu người lớn mắc bệnh tay chân miệng đa số thường khó phát hiện hơn trẻ nhỏ. Vì vậy, trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị tay chân miệng sau khi chăm sóc trẻ nhiễm bệnh, ba/mẹ cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh lây nhiễm chéo cho gia đình và người thân. Đặc biệt, phụ nữ có thai và người cao tuổi cần chú ý khi bản thân có dấu hiệu sốt. Phụ nữ mang thai nếu mắc tay chân miệng sẽ làm tăng nguy cơ thai bị chết lưu hoặc thai nhi bị nhiễm bệnh ngay trong bụng mẹ.

5 điều ba mẹ cần biết về tay chân miệng

3. Đường lây lan của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng lây nhiễm qua đường nào là vấn đề ba mẹ cần nắm để có cách phòng tránh bệnh cho trẻ. Bệnh tay chân miệng sẽ lây khi trẻ khỏe mạnh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, nước bọt hay dịch tiết từ nốt phỏng của trẻ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, bệnh tay chân miệng còn lây lan gián tiếp qua việc tiếp xúc với chất dịch bài tiết của trẻ nhiễm bệnh còn tồn tại trên dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng hàng ngày. Khi trẻ bị tay chân miệng ho hay hắt hơi, các virus sẽ phát tán nhanh và dịch tiết bám vào đồ vật xung quanh làm tăng khả năng lây truyền dịch bệnh.

      Khi nào bệnh tay chân miệng hết lây lan?

Thông thường, bệnh tay chân miệng sẽ lây nhiễm kéo dài từ thời điểm trẻ nhiễm bệnh tiếp xúc với virus cho đến khoảng 1 tuần sau khi trẻ đã khỏi bệnh. Bệnh lây lan ngay trong giai đoạn ủ bệnh chưa có triệu chứng điển hình. Khả năng lây nhiễm cao nhất trong tuần đầu tiên của giai đoạn khởi phát bệnh.

4. Bệnh tay chân miệng có mức độ nguy hiểm như thế nào?

Mức độ nguy hiểm của bệnh tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh và sức đề kháng của trẻ. Đối với những trường hợp nhiễm bệnh thể nhẹ thường khá lành tính và có thể tự khỏi. Đa số ca nhiễm bệnh tay chân miệng đều ở thể nhẹ và nếu chăm sóc điều trị đúng cách sẽ hồi phục sau khoảng 7-10 ngày. Tuy nhiên ba mẹ không nên quá chủ quan vì bệnh lý này hoàn toàn có thể xuất hiện những biến chứng nguy hiểm rất nhanh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Nếu bệnh trở nặng sẽ có những biến chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tim mạch. Các trường hợp bệnh nặng có thể biểu hiện như sau

Trường hợp 1: Trẻ bị tay chân miệng có một trong số những biểu hiện như giật mình ít nhất 2 lần trong 30 phút, sốt trên 3 ngày, sốt cao trên 39 độ kèm co giật, nôn ói, quấy khóc, biếng ăn.

Trường hợp 2: Trẻ có nhịp tim nhanh hơn 150 lần/phút, triệu chứng ngủ gà, sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt. Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm hơn như run tứ chi, ngồi không vững, đi lại loạng choạng, lác mắt, rung giật nhãn cầu, giọng nói thay đổi…

Trường hợp 3: Trẻ có biến chứng về hô hấp, tim mạch, thần kinh biểu hiện qua các triệu chứng như mạch đập nhanh hoặc rất chậm, trẻ vã mồ hôi lạnh toàn thân, nhịp thở bất thường, tri giác rối loạn.

Trường hợp 4: Trẻ có triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái, thở nấc, ngưng thở….

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ trong các trường hợp nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Vì vậy, ba mẹ cần chú ý những biểu hiện bệnh của trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám đồng thời có phác đồ điều trị phù hợp.

5. Cách hạn chế lây nhiễm bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và bệnh lý có thể gặp lại nhiều lần trong quá trình lớn lên của trẻ, Vì vậy, dù trẻ đã bị tay chân miệng nhưng ba mẹ cần quan tâm và có cách phòng chống bệnh tránh tình trạng tái lại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và nhịp sinh hoạt của trẻ.

Để hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh tay chân miệng, ba mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng nước rửa tay diệt khuẩn, rửa đúng cách để loại bỏ tối đa vi khuẩn, virus gây bệnh.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các môi trường có trẻ đang bị tay chân miệng.
  • Vệ sinh nhà cửa, khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng của trẻ thường xuyên.
  • Luyện cho trẻ thói quen không bốc đồ ăn bằng tay, không cho tay vào miệng hay ngậm đồ chơi.
  • Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong độ tuổi bú bình, cha mẹ cần vệ sinh bình sữa và các dụng cụ ăn uống sạch sẽ.

Trên đây là những thông tin 5 điều ba mẹ cần biết về bệnh tay chân miệng để có biện pháp phòng tránh cũng như quan sát biểu hiện khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh. Ngoài ra, ba mẹ cần có chế độ dinh dưỡng cho trẻ và tăng sức đề kháng tự nhiên để trẻ có sức khoẻ tốt đế hạn chế tối ra khả năng nhiễm bệnh.

 

02363630686