Cơ thể của một đứa bé cực kỳ mong manh. Theo thông lệ, nhận thức của trẻ về chính bản thân mình sẽ chưa được đánh thức trước năm thứ ba, khi đứa trẻ dùng từ “Tôi” để xưng hô. Trước đó thì nó sẽ dùng cái tên mà cha mẹ đã đặt cho nó, một lần nữa, nó bắt chước theo những thứ xung quanh.
Chúng ta nói rằng, vũ trụ sẽ tác động thông qua bản ngã chưa được tái sinh, hình thành nên các cơ quan bên trong. Một người có thần nhãn có thể thấy được các lực sống vô hình và siêu cảm nhận đang hoạt động, một hoạt động mang tính toán học của vũ trụ. Không một ai, dù cho có khôn ngoan và thông thái đến đâu, có thể làm được việc này. Các cơ quan vật chất là một thành quả kỳ diệu được hoàn thành đi hoàn thành lại cho mỗi con người.
Nhịp điệu luân phiên giữa việc hít vào – thở ra, giữa việc thức và ngủ sẽ bắt đầu khi ta sinh ra và kết thúc lúc ta chết đi. Nó không bao giờ biết mệt. Chúng là những hoạt động trên mặt đất, đòi hỏi một thân thể vật chất. Toàn bộ cuộc đời của chúng ta – các hoạt động suy nghĩ, cảm giác, ý chí – phụ thuộc vào chúng, bị ảnh hưởng bởi một giấc ngủ sâu hoặc một giấc ngủ chập chờn, bởi một quá trình hít thở bình thường hoặc bất thường.
Các bậc phụ huynh có thể tạo điều kiện phát triển lành mạnh cho sự hít thở và việc thức-ngủ, và nhờ thế mà sẽ có thể tác động đến sự phát triển vững chắc của những lá phổi và các dây thần kinh, bằng cách cho trẻ sinh hoạt hàng ngày theo nhịp điệu luân phiên, một ngày được cấu trúc theo nhịp: trẻ thức dậy bằng một bài hát quen thuộc, được cho ăn vào những thời điểm cố định, trước đó thì trẻ đọc những bài cầu nguyện và đi rửa tay theo nếp, trẻ lên giường đúng giờ, nghe một bài hát hoặc một câu chuyện cuối cùng trước khi ngủ.
Những nhịp điệu rộng hơn như là các hoạt động cuối tuần, quan sát mùa màng thay đổi và các lễ hội trong năm sẽ củng cố sâu hơn sự phát triển thể chất của trẻ.
Ta không nên xem thường ảnh hưởng của một lối sống như thế lên quá trình phát triển thể chất lành mạnh.
Và nếu như chúng ta có thể chấp nhận những lời giảng của Steiner về quá trình tái sinh, chúng ta không chỉ có thể hiểu ảnh hưởng của những hành vi về thể chất của người lớn lên trẻ mà ta còn có thể hiểu được ảnh hưởng của việc ấy lên những cảm giác và suy nghĩ của trẻ. Trẻ sẽ hấp thụ chúng vào bên trong những cơ quan bên trong của mình, vốn còn rất mỏng manh và chưa hoàn chỉnh. Những cơn giận nóng mặt, những lần đóng sập cửa, các hành vi bạo lực, những lời nói tục sẽ làm cho phần bao tử và lá phổi bị co lại theo đúng nghĩa đen, làm cản trở sự phát triển lành mạnh của chúng. Bệnh hen suyễn, các vấn đề về tiêu hóa, chứng hay lo lắng trong giai đoạn sau này của cuộc đời có thể có nguyên nhân từ thời kỳ thơ ấu. Vì đứa bé có thể cảm nhận được cảm giác và suy nghĩ, tức là không khí trong ngôi nhà, thế nên một gia đình hòa thuận sẽ dẫn đến một sự phát triển thể chất lành mạnh, trong khi một ngôi nhà bất hòa, căng thẳng, nhiều lời cãi cọ sẽ làm nó suy yếu đi.
Trích – Bảy năm đầu đời của thời thơ ấu – Carl Hoffmann