Thời tiết chuyển giao mùa đông và mùa xuân những ngày cận tết thường có mưa lạnh, đổ ẩm không khí cao. Đây là thời điểm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền thông qua đường hô hấp, và tiêu hoá như: Cảm cúm, ho, viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy, ngộ độc… Trẻ em nhất là trẻ ở độ tuổi mầm non là đối tượng dễ dàng bị mắc bệnh. Chính vì vậy, bảo vệ sức khoẻ cho trẻ ngày xuân là điều mà các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu.
Bảo vệ sức khoẻ cho trẻ mầm non ngày xuân
1/ Các vấn đề liên quan đến tiêu hoá, thực phẩm
Thực phẩm ngày tết thường được chế biến sẵn và dự trữ nhiều ngày. Vì vậy, những ngày Tết và sau tết là lúc trẻ dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hoá. Như khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy… hay nguy hiểm hơn có thể gặp các vấn đề về ngộ độc thức ăn và những bệnh tiềm ẩn rủi ro lớn khác.
Biểu hiện thường thấy: Nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau bụng, có thể kèm theo sốt, đau đầu.
Nguyên nhân thường gặp:
- Nguồn thực phẩm không đảm bảo bị ô nhiễm
- Tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh
- Không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
Cách phòng tránh:
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên,
- Chú ý nấu ăn vừa đủ trong ngày, tránh ăn đồ lưu trữ lâu hoặc hâm lại nhiều lần.
- Tránh cho trẻ ăn các loại thịt cá chưa nấu chín, thức ăn sống,…
- Đảm báo uống nguồn nước sạch
2/ Các vấn đề liên quan đến đường hô hấp
Cảm cúm
Sự thay đổi thời tiết trong những ngày cận Tết là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ cảm cúm ở trẻ nhỏ. Một số trường hợp có thể phát triển thành viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.
Biểu hiện thường thấy: Ho, sổ mũi, đau họng, sốt,…
Nguyên nhân thường gặp: Cảm cúm thường do nhiễm trùng hệ hô hấp do virus gây ra. Thông thường cảm cúm do tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc hít phải dịch tiết có chứa virus cúm do người bệnh hắt hơi, ho.
Cách phòng ngừa:
- Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh
- Có thế độ dinh dưỡng những ngày tết hợp lý, gia tăng đề kháng tự nhiên thông qua nguồn thực phẩm đảm bảo.
Lưu ý: Nếu theo dõi trẻ có dấu hiệu bệnh, cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao ( thân nhiệt trên 38,5 độ C). Nếu trẻ sốt nhẹ, kết hợp cho trẻ mặc thoáng và hạ nhiệt bằng khăn ấm. Cho trẻ uống đủ nước, có chế độ ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ. Theo dõi các dấu hiệu của trẻ để thăm khám bác sĩ kịp thời.
Viêm tiểu phế quản, viêm phổi
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đa số do nhiễm virus hô hấp hợp bào (RSV). Đa số các trường hợp, triệu chứng gặp phải tương đối nhẹ giống như bị cảm lạnh. Tuy nhiên đối với trẻ có sức đề kháng kém, bệnh có thể trở nên nguy hiểm hơn. Vì vậy phụ huynh cần theo dõi kịp thời các triệu chứng và cho trẻ thăm khám các cơ sở dịch vụ y tế uy tín để Bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị cho trẻ.
3/ Các vấn đề liên quan đến bệnh truyền nhiễm, di ứng:
Bệnh tay – chân – miệng
Bệnh tay, chân, miệng (viết tắt BTCM) là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Biểu hiện như sốt và nổi mụn nước, thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, và ở bên trong miệng. Bệnh tay chân miệng phần lớn ảnh hưởng đến trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất ở lứa tuổi mầm non dưới 5 tuổi.
Biểu hiện thường thấy: Các dấu hiệu biểu hiện ban đầu như đau họng, sốt, nổi mẩn đỏ (dạng hồng ban mụn nước) ở miệng, tay, chân hoặc mông, loét họng, lưỡi và miệng, biếng ăn
Nguyên nhân thường gặp: Ngày tết, việc vui chơi và tiếp xúc nhiều ở trẻ nhỏ khác có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh tay chân miệng bởi vì bệnh lây qua đường tiếp xúc trực tiếp từ người sang người. Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị lây bệnh.
Cách phòng tránh:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trước và sau khi ăn , sau khi đi vệ sinh.
- Tránh cho trẻ dùng chung đồ ăn, thức uống, đồ dùng cá nhân với người khác.
- Tránh cho trẻ chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không.
- Thường xuyên khử trùng đồ chơi và các bề mặt mà trẻ thường chạm vào ( tay năm cửa, bàn, ghế,…).
Dị ứng
Thay đổi thất thường của thời tiết và lịch sinh hoạt ăn uống trong những ngày tết có thể làm trẻ khởi phát một số bệnh dị ứng như sau:
Dị ứng thức ăn: Các bữa ăn, bữa tiệc ngày tết rất nhiều đồ được bày soạn. Trong đó có nhiều món đã được chế biến sẵn, có thể đã để qua ngày và khó kiểm soát về thành phần. Trẻ có thể bị nổi mề đay, hoặc nổi mẩn dị ứng do ăn phải thức ăn có thành phần gây dị ứng. Nguy hiểm hơn là các phản ứng mạnh. gây sưng mặt, phù mặt, mắt môi hoặc gây tình trạng khó thở, thở thóp ngực. Phụ huynh cần theo dõi biểu hiện bệnh và đưa trẻ đi khám ngay.
Dị ứng da: Ngày tết, trẻ được đi chơi nhiều, có thể sẽ tiếp xúc với những chất gây dị ứng làm trẻ bị viêm da dị ứng. Những trẻ có tiểu sử bị chàm da có thể bị nặng hơn. Nếu vùng da bị sưng đỏ, chảy dịch, cần đưa trẻ đi khám ngay.
Lưu ý: Không tự ý bôi các loại thuốc không rõ thành phần, thuốc chưa được bác sĩ hướng dẫn sử dụng.
Dị ứng hô hấp: Viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nặng hơn có thể khởi phát cơn hen suyễn khi di chuyển đến nhiều nơi khác nhau, thay đổi khí hậu. Những khu vực mà không khí chứa nhiều chất gây kích ứng dị ứng đường hô hấp như phấn hoa, khói thuốc lá, bụi,… Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi trẻ có biểu hiện sốt cao, khò khè, thở mệt, thở thóp ngực.
Cách phòng tránh:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt. Rửa tay thường xuyên, vệ sinh răng miệng cho trẻ.
- Cần lưu ý về các loại thức ăn cho trẻ. Nhất là những loại thức ăn trẻ đã từng bị dị ứng và những thức ăn trẻ chưa từng thử trước đây.
- Nếu trẻ bị dị ứng đang được điều trị thuốc, nên tiếp tục duy trì đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là những trẻ bị hen suyễn, chàm da.
Sởi – Rubella
Bệnh sởi và rubella là 2 căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh chủ yếu lây theo đường hô hấp, qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt bệnh có nguy cơ lây lan và dễ dàng trở thành đại dịch. Nhất là trẻ em chưa được tiêm phòng vắc xin Sởi, rubella.
Biểu hiện thường thấy: Triêu chứng báo hiệu bệnh thường là sốt, phát ban và viêm đường hô hấp, mệt mỏi, chán ăn. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não,…
Cách phòng tránh:
- Cách phòng tránh hiệu quả nhất là cho trẻ tiêm vắc- xin đầy đủ.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.
- Rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng.
- Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ
- Uống đủ nước mỗi ngày
Tết Nguyên Đán 2023 là dịp để gia đình được sum họp, nghỉ ngơi, vui chơi. Tuy vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý đến những vấn đề bệnh lý và các phòng tránh để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ ngày xuân được thoải mái du xuân trọn vẹn.