“Búp bê là hình ảnh của một con người và do đó là đồ chơi phù hợp nhất để phát triển và làm sống động hình ảnh bản thân ở đứa trẻ đang lớn.” (Freya Jaffke, tác giả sách “Làm việc và chơi ở tuổi mầm non”)
Tại sao búp bê Waldorf không thể thiếu trong giáo dục mầm non Steiner?
“Búp bê Waldorf” là tên gọi chung cho loại búp bê được sử dụng trong giáo dục Steiner-Waldorf. Loại búp bê này thường được làm thủ công từ các vật liệu tự nhiên như len, lụa và bông. Được chế tác theo các kỹ thuật làm búp bê truyền thống của châu Âu. Sợi tự nhiên ấm áp khi chạm vào và cho cảm giác chân thật hơn, so với các vật liệu tổng hợp và nhựa được sử dụng để sản xuất búp bê thương mại.
Những chất liệu này sẽ hấp thụ hơi ấm của trẻ, tạo ra một phản hồi thật nhẹ nhàng, dịu êm. Các đặc điểm trên khuôn mặt của búp bê Waldorf được cố ý điểm xuyết rất đơn giản hoặc không có. Giúp khơi dậy trí tưởng tượng của trẻ. Tùy thuộc vào tâm trạng của trẻ, búp bê có thể vui, buồn ngủ, buồn, hoặc thậm chí tức giận và khóc lóc.
Búp bê Waldorf không chỉ là một món đồ chơi, nó là mối liên kết giữa hai thế giới của trẻ em và của người lớn. Trẻ em có mong muốn tự nhiên là bắt chước hành vi của cha mẹ mình. Các em thích đóng giả bác sĩ, giáo viên, đầu bếp, v.v. và búp bê thường trở thành đạo cụ đầu tiên trong trò chơi giả vờ này.
Chơi búp bê giúp phát triển ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội. Giúp trẻ sáng tạo hơn và ít hung hăng hơn. Bằng cách mặc quần áo và cho búp bê ăn, trẻ em cũng phát triển thêm các kỹ năng vận động và phối hợp. Chơi búp bê cho phép trẻ em thực hành vai trò người lớn trong tương lai. Giúp các em phát triển tình yêu thương và quan tâm đến người khác. Búp bê Waldorf trở thành một người bạn, một người đồng hành thực sự để một đứa trẻ có thể chia sẻ cảm xúc, hy vọng, ước mơ và cuộc phiêu lưu của mình.
Chọn búp bê Waldorf phù hợp với lứa tuổi của trẻ
1/ Búp bê chăn nhỏ
là loại búp bê hoàn hảo để chuẩn bị cho một em bé sơ sinh. Búp bê chăn thường có phần đầu được tạo hình với một khuôn mặt rất đơn giản, thường không có bất kỳ bộ phận nào trên khuôn mặt, và phần thân mềm mại với các góc được cột gút để làm tay chân đơn giản, giúp giảm bớt tác động lên nướu trẻ khi các bé đưa búp bê lên miệng cắn. Bạn thậm chí có thể ngâm tay chân của búp bê trong nước hoặc trà thảo mộc và để đông lạnh trong một thời gian để làm dịu cơn đau mọc răng của bé.
2/ Búp bê vải nhỏ nhắn, đáng yêu
Loại búp bê này thường được làm đơn giản không kèm trang phục, là lý tưởng cho trẻ mới biết đi. Những con búp bê này rất dễ cầm nắm, ôm ấp, và chúng thường không có tóc để tránh cho trẻ nhai phải. Khi làm búp bê cho trẻ nhỏ, người lớn cần đảm bảo rằng búp bê không có các bộ phận nhỏ dễ bị bung ra và nuốt vào bụng.
3/ Búp bê Waldorf cổ điển có mặc trang phục và có mái tóc dài hơn
Ở độ tuổi 4-6, kỹ năng vận động của trẻ đã đủ phát triển để bắt đầu thích thú với những loại búp bê có hình hài hơn.Đó là độ tuổi trẻ bắt đầu chơi theo trí tưởng tượng, bắt chước thế giới xung quanh. Trò chơi trở nên phức tạp hơn, cho phép đứa trẻ giải quyết các tình huống có thể là mới đối với em. Vì vậy một búp bê lớn với độ dài khoảng 30cm hoặc hơn một chút là kích thước lý tưởng để làm búp bê cho độ tuổi này.
Làm búp bê Waldorf tưởng dễ, nhưng lại khó ở điểm những “nghệ nhân” phải thật tỉ mẩn và có hiểu biết về tỉ lệ cơ thể người để làm ra những búp bê gần nhất với người thật. Người làm búp bê Waldorf cũng cần đặt hết tâm hồn mình vào quá trình chế tác, vì chỉ có như vậy, búp bê mới thấm nhuần sự ấm áp của người tạo ra nó. Nó chứa đầy những ý định tốt đẹp dành cho đứa trẻ mà người lớn đã nghĩ và cảm nhận được trong quá trình sáng tạo. Khi đó đứa trẻ sẽ được bao quanh bởi những ý niệm và lời chúc thiện lành, đầy yêu thương dành cho em.
Nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn rằng nếu con họ là bé trai thì có nên để con chơi búp bê hay không. Như đã nói, trong giáo dục Waldorf, búp bê không chỉ là một món đồ chơi mà còn như một người bạn đồng hành yêu quý vừa nhẹ nhàng, vừa thân mật gần gũi đối với trẻ, bất kể giới tính. Trẻ em coi búp bê như một phần của mình, và vì vậy, khi bé chăm sóc búp bê cũng là khi bé học cách phát triển một mối quan hệ lành mạnh với chính bản thân mình. Cha mẹ và người chăm sóc nên để trẻ tự khám phá bản thân thông qua quá trình tương tác với các đồ chơi thích hợp thay vì lo ngại đến vấn đề chọn đồ chơi dựa trên giới tính của bé.
(Nguồn: SWAVN)