Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hoá qua tiếp xúc với đồ dùng, đồ chơi, vật dụng dung chung,…. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở độ tuổi mầm non và có khả năng gây thành dịch lớn.
Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng, tình hình dịch tay châm miệng đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, Ba mẹ cần nắm những thông tin bệnh để nâng cao cảnh giác và phòng bệnh cho trẻ. Theo dõi các dấu hiệu của trẻ khi có biểu hiện sốt, mệt cần được thăm khám và đảm bảo chế nghỉ ngơi cho trẻ trong những ngày thời tiết thay đổi thất thường nắng nóng cao độ này.
Nguyên nhân và nguồn lây bệnh
Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột Coxsackie A16 và EV71 gây ra. Bệnh lây cao nhất trong tuần đầu và lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, dịch phỏng nước bị vỡ, phân của trẻ bị nhiễm bệnh. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, bàn ghế… bị nhiễm vi rút. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh Tay Chân Miệng
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có thời gian ủ bệnh khoảng 3-5 ngày và sẽ xuất hiện những biểu hiện đặc trưng sau:
- Sốt cao
- Đau họng
- Biếng ăn
- Tiêu chảy
- Loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng)
- Nổi phát ban dạng phỏng nước ở các vùng lưỡi, miệng, lợi, lòng bàn tay, chân, mông,…
Kích thước các nốt phỏng phát ban từ 2- 4 mm. Tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng như: Viêm màng não, viêm cơ tim, và có những biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Các biện pháp phòng bệnh Tay Chân Miệng ở trẻ
Khi trẻ đang ở trong vùng dịch Tay Chân Miệng, cách tốt nhất để giảm thiểu nguồn lây bệnh là chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp:
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh tay chân miệng nếu không thực sự cần thiết;
- Trẻ bị mắc bệnh cần được cách ly tại nhà để tránh việc lây lan đến trẻ khác;
- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời, quan sát trẻ bị sốt cao vùng dịch bệnh, nếu cần thiết nên đưa trẻ cách ly;
- Làm sạch môi trường, không gian bị ô nhiễm bằng cách lau phòng, đồ chơi, các đồ vật trong lớp học, khử khuẩn toàn bộ giường bệnh, phòng bệnh bằng Cloramin B 2%;
- Xử lý những chất thải, quần áo, khăn trải giường của người bệnh và những dụng cụ chăm sóc được sử dụng lại theo quy trình của phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa;
- Thường xuyên rửa tay kháng khuẩn sau khi thay quần áo, tã hoặc tiếp xúc với phân, nước bọt,… của người bệnh.
- Tránh tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung đồ với người bị bệnh tay chân miệng.
- Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho.
Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, dịch của các nốt bọng nước của người bệnh. Vì vậy cách tốt nhất ba mẹ và nhà trường có thể làm cho trẻ là thực hiện tốt về sinh cá nhân lúc ở nhà và ở trường. Chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ có dấu hiệu bệnh. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.