Thời tiết khí hậu chuyển giao từ mùa đông sang mùa xuân là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát triển. Lúc này thời tiết, độ ẩm tăng cao, kèm theo mưa phùn, gió nồm ẩm tạo môi trường cho các loại virus sinh sôi. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn so với người trưởng thành bởi vì thể chất chưa được phát triển toàn diện và hệ thống miễn dịch còn non nớt. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có những biện pháp thích hợp để đề phòng dịch bệnh mùa xuân cho trẻ.
Đề phòng dịch bệnh mùa xuân cho trẻ
1. Cúm mùa
Cúm mùa là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus gây nên. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân hoặc thời điểm chuyển giao mùa. Cúm mùa có khả năng lây nhiễm rất cao. Lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Ở Việt Nam, các loại virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Cúm mùa tiến triển thường lành tính, tuy nhiên cũng có thể gây biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý nền về tim mạch và hô hấp, người suy bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau 1- 4 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm với biểu hiện sốt (thường >38 độC), đau đầu, đau nhức cơ toàn thân, chán ăn, mệt mỏi. Xuất hiện thêm một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
2. Thuỷ đậu
Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Loại virus này là tác nhân gây ra bệnh thuỷ đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn. Thuỷ đậu có khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, hoặc qua không khí từ các giọt bắn nước bọt qua đường hô hấp như hắt hơi, ho, nói chuyện,… hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng. Mùa xuân thời tiết nồm ẩm là thời điểm bệnh bùng phát mạnh nhất.
Biểu hiện rõ rệt của thuỷ đậu là những mụn nước phồng rộp trên khắp cơ thể, ngay cả trong niêm mạc lưỡi và miệng. Giai đoạn phát bệnh, người bệnh sẽ có triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Xuất hiện thêm ban đỏ trong 24 -48 giờ đầu. Có thể hiện hạch sau tai kèm viêm họng. Giai đoạn toàn phát, cơ thể sốt cao, buồn nôn, mệt mỏi. Các nốt ban đỏ bắt đầu hiện to hơn như nốt phỏng nước gây ngứa và khó chịu cho người bệnh.
Thuỷ đậu là bệnh lành tính sẽ nhanh chóng khỏi sau 7-10 ngày, tuy nhiên nếu không biết cách điều trị đúng có thể gây những biến chứng như nhiễm trùng, viêm phổi thuỷ đậu, viêm thận hay thậm chí nặng hơn là viêm não.
3. Sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh sởi lây lan qua đường hô hấp, từ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Thời gian ủ bệnh sởi thường từ 7 đến 21 ngày. Triệu chứng thường xuất hiện là sốt cao ( > 39 độ C); viêm đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, có hạt Koplik trong miệng; chảy nước mắt, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ ghèn, sưng đỏ mí mắt. Người bệnh có thể nổi ban đỏ từ những ngày đầu phát bệnh dọc từ đầu xuống toàn thân sau đó sẽ bay dần và khỏi bệnh.
Bệnh sởi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm đường hô hấp, những bệnh liên quan đến viêm hệ thần kinh,…
4. Quai bị
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Mumps gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 đến 10 tuổi. Bệnh quai bị rất dễ lây qua đường hô hấp khi nước bọt của người nhiễm bệnh phát tán ra ngoài không khí khi nói chuyện, hắt hơi, ho…
Bệnh khởi phát xuất hiện triệu chứng sốt 38-39 độ kéo dài trong khoảng 3-4 ngày, mệt mỏi, ăn ngủ kém, nhức tai, đau đầu, cảm giác ớn lạnh. Sau đó bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng viêm tuyến mang tai, thường sưng ở 2 bên. Trẻ sẽ cảm thấy đau hàm khi há miệng, họng viêm đỏ, sưng hạch góc hàm.
Bệnh quai bị thường lành tính, tự khỏi sau 7- 10 ngày tuy nhiên có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là trên cơ quan sinh dục. Bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ yếu là điều trị hỗ trợ chăm sóc và phòng ngừa các biến chứng của bệnh.
Cách phòng bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa
- Giữ ấm bốn vùng quan trọng của trẻ, bàn tay, bàn chân, ngực, đầu. Tuy nhiên, không nên mặc cho trẻ quá nhiều lớp áo bởi vì mồ hôi có thể ngấm ngược lại vào cơ thể trẻ gây cảm lạnh, sốt.
- Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, tạo thói quen cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
- Tạo thói quen rửa tay sạch sẽ trong sinh hoạt, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, ăn uống đủ chất, tăng cường vitamin nâng cao đề kháng tự nhiên.
- Cho trẻ uống đủ lượng nước mỗi ngày.
Theo dõi trẻ khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, ba mẹ cần đưa đến các cơ sở y tế uy tín để được khám , tư vấn và điều trị kịp thời.
Xem thêm 7 lợi ích của việc cho trẻ ra ngoài chơi tại đây.