Có bao giờ các bố, các mẹ tự hỏi sao đồ chơi tại trường của con lại “lạ” thế không? Không phải là những chiếc ô tô cáu cạnh, không phải là những cô búp bê xinh xắn, càng không có những bộ xếp hình nhiều màu sắc… Thay vào đó, tất cả đều vô cùng tự nhiên và đơn giản.
Nếu bố mẹ đã từng thắc mắc, thì bài viết dưới đây sẽ mang đến sẽ mang đến rất nhiều những câu trả lời. Có câu trả lời trực tiếp, và cả những câu trả lời gián tiếp mà mọi người có thể tự rút ra dựa trên suy luận của mình.
Đồ chơi trong mầm non Steiner không có hình thù quá cụ thể với mục đích giúp phát huy trí tưởng tượng của trẻ. Một khúc gỗ có thể là bánh mì hay bàn ăn, có thể là xe hơi, đôi khi lại được biến thành chiếc thuyền. Những chiếc ghế có thể xếp thành hàng dài với nhau tạo thành xe lửa nhiều toa, hoặc có thể quây lại với nhau thành ngôi nhà. Tấm vải có khi là chăn cho búp bê và ngay sau đó lại trở thành tấm khăn choàng của nàng công chúa.
Chính sự đơn giản, gợi mở đầy linh hoạt của những món đồ chơi trong trường mầm non Steiner kích thích trí tưởng tượng của trẻ phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, giáo dục Steiner gọi những con búp bê được trang điểm mắt môi kỹ càng là những đồ chơi “xấu xí” tước đi những hình ảnh từ trí tưởng tượng của trẻ.
Những gì người lớn chúng ta cho là đẹp thật ra lại phá hủy khả năng thẩm mỹ của trẻ đồng thời không cho cơ hội phát huy sức tưởng tượng của trẻ và vì vậy, ý chí của trẻ cũng bị mất đi cơ hội làm việc; và trẻ lớn lên với một ý chí lộn xộn khiến ảnh hưởng đến cuộc đời về sau của chúng.
Đồ chơi trong trường mẫu giáo Steiner hoàn toàn được làm từ nguyên vật liệu tự nhiên vì chúng đẹp và đem đến sự trải nghiệm phong phú mà vật liệu nhựa không thể nào có được. Vật liệu tự nhiên luôn thay đổi và mang trong nó một sức sống, đó là phẩm chất quan trọng đối với trẻ nhỏ vì nó giúp nuôi dưỡng các giác quan và sức sống đang phát triển của trẻ.
Ví dụ trẻ được nhìn thấy, chạm vào và cảm nhận được chất gỗ ở một cái bàn bằng gỗ, nhưng ở cái bàn bằng nhựa, nó trông không thật và đó là một bức tranh cứng nhắc đối với trẻ. Tất cả những thứ bằng nhựa, ni lông hay polyester hay bất cứ chất tổng hợp nào đều thuộc về thế giới khoáng vật, nó có hình thù vật chất nhưng không có sức sống, hơi ấm đối với trẻ, trong khi gỗ thuộc về thế giới thực vật, mang trong mình nó sức sống và sức sống là yếu tốt lành mạnh bồi dưỡng sức khỏe của trẻ.
Đôi khi phụ huynh băn khoăn liệu trẻ có chán không khi chơi cũng những thứ đồ chơi đơn giản như vậy trong suốt những năm học mầm non. Và họ nghĩ nhiều khi phải đổi sang đồ chơi khác nhiều chi tiết hơn để trẻ khỏi chán. Nhưng những giáo viên Steiner có thể khẳng định rằng trải nghiệm của trẻ ở những độ tuổi khác nhau sẽ khác nhau, chúng sẽ nhìn một món đồ chơi ở nhiều góc cạnh khác nhau và sử dụng những phần khác nhau của cùng món đồ chơi này để phục vụ cho nhiều trò chơi và những trải nghiệm khác nhau của chúng.
Chính khả năng sử dụng cùng một món đồ chơi vào nhiều trò chơi khác nhau làm phát triển sức tưởng tượng của trẻ và sự tự do làm điều mình thích, giúp trẻ trở thành một con người tự do khi trưởng thành.
Trẻ nhỏ cần những đồ chơi mềm mại và có nhiều hình thù để giải phóng não bộ trong quá trình hình thành. Não của chúng ta vẫn đang thay đổi thường xuyên nhưng cấu trúc của nó được định hình ở độ tuổi rất sớm. Nếu những cấu trúc này được định hình một cách cứng nhắc khi trẻ còn nhỏ thì sau này sẽ có rất ít những thay đổi và sự thay đổi nếu có cũng không phong phú nữa.
(Trích Phương pháp Giáo dục Waldorf Steiner)