Chúng tôi đang tuyển sinh khối mầm non. Ba mẹ có thể tìm hiểu thêm tại đây nhé.

Giáo dục Steiner-Waldorf luôn được biết đến với khía cạnh bảo vệ các nguồn lực của thời thơ ấu một cách tối đa. Và chắc chắn, nhiệm vụ này gặp phải rất nhiều áp lực nhất là trong thời đại ngày nay. Khi mà càng lúc người ta càng đòi hỏi nhiều ở một đứa trẻ, mới 6-7 tuổi đầu đã phải biết đọc, biết viết, biết đàn, biết múa, biết chơi thể thao, biết ngoại ngữ, …

Trong giáo dục Waldorf, nguồn lực của thời thơ ấu (cụ thể là nguồn lực sức sống của trẻ) được tập trung cho nhiệm vụ xây dựng và cấu thành cơ thể vật lý để tạo dựng nên nền móng vững chắc cho  sự phát triển sau này. Và khi các nhiệm vụ của cơ thể vật lý đã hoàn thành, nguồn lực này sẽ đi vào phần đầu cho những sự phát triển về mặt tư duy.

Rudolf Steiner chia sự phát triển ra chu kì 7 năm, và 7 năm đầu tiên, đứa trẻ không nên tiếp cận việc học bằng đầu óc. Và đứa trẻ sẽ vào học lớp Một vào khoảng 7 tuổi. Dựa trên điều này những trường mẫu giáo Steiner không muốn mang bất kì những gì mà có tính chất học thuật vào trong trường mầm non. Đây được xem như là một công tác có tính chất bảo vệ. Tuy vậy, khi vấn đề này được thực hành một cách cứng nhắc và bảo thủ sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề, và có thể thấy rõ những vấn đề đó được biểu hiện mỗi ngày một rõ ràng hơn.

  1. Trong lớp mầm non Steiner – Waldorf chỉ có chơi, không có học gì cả. Đó là một chương trình học không thực tế, đứa trẻ sẽ không theo kịp bạn bè khi chúng vào lớp Một. Và nhiều phụ huynh từ chối phương pháp ngay từ đầu.
  2. Một số phụ huynh khác thì muốn con được học ở môi trường Steiner để chơi vui, nhưng sau đó sẽ cho con đi học phụ đạo thêm các lớp học khác vào buổi chiều tối hoặc cuối tuần để đảm bảo con vào được lớp Một.

Sẽ thật may mắn nếu đứa trẻ mầm non Steiner được tiếp tục theo học trường Steiner ở những cấp lớn hơn. Tính đồng bộ của mầm non và Tiểu học sẽ được đáp ứng. Nhưng phần lớn, hầu hết các hệ thống công lập và tư thục hiện nay đều có yêu cầu khá cao với trẻ khi vào lớp Một và phần lớn trong đó không hẳn là yêu cầu từ khung giáo dục của Bộ giáo dục mà yêu cầu từ chính kì vọng của xã hội.  Khi chương trình mầm non của Steiner vô cùng lý tưởng nhưng khắp nơi hệ thống tiểu học vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa được công nhận chính thống chắc chắn thì việc trẻ em tiếp tục theo học cấp 1 Steiner hầu như vô cùng thiểu số. Nhưng nếu trẻ bước ra trường bên ngoài chắc chắn sẽ dẫn đến tạo ra một khoảng trống ngay giữa mầm non lên lớp Một.

Một bên thì chơi đùa tự do, thoái mái.

Một bên thì học hành áp lực, căng thẳng.

Người làm giáo dục cần thấy rằng chúng ta không thể tước đi sự chơi đùa tự do, thoải mái, đây cũng chính là tước đi tuổi thơ và tước đi nền tảng về một cơ thể vật lý khỏe mạnh.

Nhưng , chúng ta cũng không thể mong cầu sự thay đổi áp lực từ hệ thống Tiểu học, THCS, THPT,…  vì đó là một vấn đề vĩ mô và không thể thay đổi sớm muộn trong khi những đứa trẻ thì đang biểu hiện ngay trước mặt chúng ta lúc này cần sự hỗ trợ của chúng ta.

Người làm giáo dục đứng giữa hai thái cực như phải phải hiểu rằng, chúng ta cần phải dung hòa. Điều chúng ta có thể là trong khả năng của mình chúng ta sáng suốt để mang đến cho con những sự hỗ trợ phù hợp – đó là những sự chuẩn bị. Đó mới là nhiệm vụ bảo vệ, còn nếu chúng ta không cần biết đến những thách thức con trẻ sẽ đối mặt trong tương lai mà chỉ nghĩ rằng “chỉ cần làm tốt việc của mình” thì lúc này không còn là sự bảo vệ, đó là một sự bỏ mặc.

Trong một lớp mầm non Steiner, nhịp điệu được đặt lên là vấn đề quan trọng hàng đầu. Và sự uyển chuyển, nhịp nhàng trong giờ chuyển tiếp là sự cần thiết cho trẻ thường được gọi là nghệ thuật chuyển tiếp. Xét trên góc nhìn đó, người giáo viên cũng cần phải thấy rằng, từ mầm non sang lớp Một cũng là một giờ chuyển tiếp lớn trong nhịp điệu cuộc đời của trẻ. Bởi vậy, đầu tiên, vẫn là người giáo viên có sự chuẩn bị chu đáo, rõ ràng bên trong mình, rồi sau đó dẫn dắt trẻ. Mà đối với hoạt động chuyển tiếp thì giáo viên cần phải nắm rõ về hoạt động trước đó và sau đó. Do vậy, một giáo viên dạy lớp có trẻ 5-6 tuổi không thể bỏ qua việc tìm hiểu về đời sống của một đứa trẻ lớp Một mà em bé của mình sẽ bước vào. Việc này, sẽ cho phép người giáo viên biết được trong khả năng của mình, mình làm được gì để tốt nhất để chuẩn bị cho trẻ. Đây là điều cần thiết cho dù trẻ tiếp tục theo học Steiner hay học chương trình khác.

Nói đến vấn đề dạy chữ ở mầm non, mục tiêu cho trẻ biết đọc biết viết là chắc chắn là một sự sai lầm trong mầm non – vì đây rõ ràng là nhiệm vụ của tiểu học. Nhưng đem đến cho trẻ hình dung về chữ cái và nếu bạn đem lại niềm hứng thú với con chữ cùng một thái độ đúng đắn đối với công việc học tập, thì đây là điều cần thiết trong công tác chuẩn bị cho trẻ. Đừng nghĩ rằng mình sẽ dạy cho trẻ biết chữ, đối với ngày nay thì không có đứa trẻ nào lớn lên mà không biết chữ cả. Hãy nghĩ đến việc mang đến cho trẻ sự hào hứng và sống động với những con chữ. Khi đứa bé lên 5 tuổi, em đã sẵn sàng cho rất nhiều các sự nhận biết phức tạp hơn, nhận biết chữ cái với các em không phải là vấn đề gì khó khăn.

 

Vấn đề là bạn mang chúng đến cho các em như thế nào mà thôi. Bằng những câu chuyện, bằng những trò chơi, bằng màu sắc, tranh vẽ và nhiều sự sáng tạo,… bạn làm cho những con chữ đầy sức sống thì tại sao bạn lo lắng về việc mang những chữ cái đến cho trẻ. Khi người giáo viên hiểu rõ và vững chãi với các giá trị của phương pháp giáo dục bên trong mình họ sẽ tự do để thể hiện linh hoạt ra bên ngoài. Đó cũng chính là một đặc điểm của giáo dục Steiner: Tự do trong giảng dạy.

Tuy vậy, dạy chữ cái hay số không phải là toàn bộ chương trình của Tiền tiểu học. Người giáo viên lớp 5-6 tuổi phải quan sát và hỗ trợ rất nhiều khả năng khác của trẻ. Khả năng ngồi vào bàn ngay ngắn tư thế đúng, tập trung vào một vấn đề trong vòng 15 phút, làm theo hướng dẫn của giáo viên, lễ phép và đúng mực trong giao tiếp tương tác với cô giáo, sự khéo léo của đôi tay, sự nở rộ của trí tưởng tượng, làm chủ chuyển động cơ thể,… đó đều là những điều cần thiết cần chuẩn bị cho trẻ. Tất nhiên, chúng ta không phải đem trẻ ra để luyện tất cả các khả năng đó, bởi vì khả năng như thế nào còn phụ thuộc vào từng cá nhân trẻ. Tuy vậy, việc chúng ta cần làm là thiết kế một cơ cấu về nhịp điệu để mang những điều mà chúng ta muốn chuẩn bị cho trẻ vào. Thông qua đó, chúng ta cũng quan sát và ghi chép về từng trẻ để trao đổi với phụ huynh về những xu hướng của em sau này. Việc này cũng là một sự chuẩn bị tâm lý cần thiết cho chính các bậc phụ huynh trước việc con sẽ hòa nhập vào lớp Một như thế nào.

Phụ huynh ở một mức độ nào có chưa thể hiểu biết được toàn bộ về quá trình phát triển của trẻ. Một quá trình làm việc khéo léo cần được tạo dựng. Một đứa trẻ cuối cùng cũng thuộc về gia đình của nó, và quan điểm của phụ huynh quyết định chính những gì sẽ ảnh hưởng lên trẻ. Hãy cẩn trọng với những mong cầu quá mức (con biết đọc lưu loát, biết viết thành thạo, biết làm toán nhanh, biết ngoại ngữ, chưa kể đủ môn năng khiếu nhảy múa hát ca bơi lội,…) chúng sẽ gây cản trở đến sự phát triển của trẻ một cách vô hình khó mà thấy được bằng mắt thường.

02363630686