Không khó để nhận ra rằng, khi bước vào gia đình có trẻ nhỏ thường thấy rất nhiều đồ đạc để nhiều nơi, đặc biệt là đồ chơi được bày biện ra rất nhiều. Từ kệ tivi, bàn ăn, sofa, phòng bếp, phòng ngủ, … bất kể không gian nào trẻ đi qua cũng có bóng dáng của đồ chơi được bày biện. Mặc dù ba, mẹ cũng đã thiết kế nơi dành riêng cho việc vui chơi. Không chỉ một số phụ huynh ở Sunflower Steiner mà rất nhiều Ba/mẹ cảm thấy bất lực khi con không chịu dọn đồ chơi và luôn tự hỏi rằng. Ba/mẹ nên làm gì khi trẻ không chịu dọn đồ chơi?
Một điều phải công nhận rằng, dù chúng ta nỗ lực để thu dọn hoặc tìm giải pháp hoà bình để thiết lập thói quen dọn dẹp cho trẻ. Nhưng trên thực tế, ở giai đoạn trẻ dưới 3 tuổi hay thậm chí 4-5 tuổi, dường như việc bày đồ chơi ra khắp nhà là chuyện phổ biến. Nhiều ba/mẹ đã phải sắm những thùng chứa khá bự để gom nhanh tất cả mọi thứ vào đó. Nhưng rồi chẳng lâu sau đó, trẻ lại bày ra và đối mặt với ” một bãi chiến trường”. Và rồi khi đã quá mệt Ba mẹ thường buông xuôi và để “mặc kệ” cho bãi chiến trường cứ tiếp diễn ngày qua ngày.
Liệu đó có phải là cảm xúc của chúng ta trước tình trạng này không? Hoặc cho rằng con mình còn quá nhỏ để biết dọn dẹp hay cho rằng mình bất lực vì không thể rèn thói quen dọn dẹp cho con?
Một lần nữa chúng ta cần nhấn mạnh rằng : Vui chơi là công việc nghiêm túc của trẻ. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, với năng lực nhận thức khác nhau, trẻ sẽ có những biểu hiện song song với quá trình vui chơi của mình.
Cao trào của việc “Nghịch đồ chơi” hay “bày ra mọi thứ” thường diễn ra trong khoảng từ 2-4 tuổi, đây là giai đoạn trẻ có sự phát triển sâu sắc về nhận thức giữa mình và thế giới xung quanh. Trẻ tò mò về mọi thứ, muốn chạm tới mọi thứ. Trẻ có nhu cầu tương tác với tất cả những gì trong tầm mắt mình. Những thanh gỗ được xếp lên nhau rồi lại gạt đổ rầm xuống, rồi lại xếp lên và tứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Trẻ có thể ném tứ tung mọi ngóc ngách những món đồ chơi bất kỳ. Hay những thỏi sáp màu cũng có thể được tô vẽ lên khắp nơi, từ sofa, tường, tivi, bàn ăn,… mọi nơi trẻ muốn. Dù chúng ta có nhắc trẻ cần phải dọn dẹp, chúng vẫn tiếp tục việc chơi này một cách đầy hứng thú và bỏ mặc mỗi thứ một nơi để chuyển đến hoạt động khác mà chẳng màng tới việc dọn dẹp.
Phản ứng về việc dọn dẹp đồ chơi qua các giai đoạn
Trẻ 2 – 3 tuổi: Giai đoạn này trẻ có thể nói : KHÔNG! KHÔNG! KHÔNG! CON ĐANG CHƠI MÀ
Trẻ 4-5 tuổi: Giai đoạn này, trẻ có thể chạy mất, hoặc không thèm quan tâm khi chúng ta ra tín hiệu bằng một bài hát hay lời khuyến khích cho việc dọn dẹp. Điều này hoàn toàn bình thường đối với trẻ ở nhóm tuổi này.
Ba mẹ có thể cảm thấy cáu bẳn, bất lực hoặc quá mệt với tình trạng này. Nhưng thực tế, đứa trẻ chỉ nghĩ đơn giản rằng :” Con không muốn đồ chơi biến mất” Hoặc có quá nhiều thứ ở đây, con không biết phải bắt đầu từ đâu.
Phần lớn trẻ nhỏ từ 2-3 tuổi vẫn chưa nhận thức được sử biến mất ngắn hạn
Khi chúng ta cắt đi, hoặc lấy mất đồ chơi trên tay, trẻ sẽ nghĩ rằng chúng sẽ biến mất mãi mãi, và con sẽ không được chơi nữa. Nó là cảm giác bị tước đi một thứ của mình. Đó là lý do ở độ tuổi này, trẻ thường không sẵn sàng nhường đồ chơi của mình cho bạn. Trẻ luôn có xu hướng giữ mọi thứ, giành mọi thứ, và bày mọi thứ ra trước mắt mình
Chúng ta cũng sẽ thấy những biểu hiện thú vị trong giai đoạn này đó là khi trẻ bắt đầu BIẾT DẤU ĐỒ CHƠI – em sẽ cầm món đồ và dấu ra sau lưng rồi nói – mất rồi, hoặc cầm nó chạy đi để vào 1 chỗ bí mật nào đó ( như dưới gối, trong hộc,…) đây là một sự phát triển nhận thức tuyệt vời – em đã bắt đầu nhận thức được rằng ” Có một sự biến mất ngắn hạn hay một sự chắc chắn quay lại ”
Điều này sẽ cứ diễn ra cho tới khi em cảm thấy an toàn với sự ” vắng mặt ” của món đồ em thích, đó là lúc em mới có thể nhường đồ cho bạn, hay sẵn sàng đưa đồ chơi để mẹ cất đi, hay cùng mẹ dọn dẹp. Nhưng hãy nhớ nó không diễn ra ngay lập tức, mà sẽ từ từ, từng ngày chút chút.
Với trẻ lớn hơn từ 4 – 5 tuổi, nhu cầu vui chơi đa dạng và phong phú hơn – trẻ dường nhu có thật nhiều năng lượng để chơi hết trò này tới trò kia mà không biết chán. Điều này dẫn tới tình trạng trẻ bị bối rối khi trong không gian chơi của mình có quá nhiều đồ chơi, và trẻ sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu – kể cả là với việc dọn dẹp. Chính trẻ cũng bị bối rối trong việc thu dọn đồ chơi của mình ( Nếu thói quan này không được thiết lập để trẻ quen dần trước đó ) – và kết quả chúng sẽ lờ đi, hoặc chẳng có hứng thú gì với việc dọn dẹp đồ chơi cả.
Đăng ký ghi danh lớp học dành cho trẻ từ 12th – 5 tuôi tại đây
Làm gì khi trẻ không chịu dọn đồ chơi?
Giải pháp mà chúng ta có thể áp dụng trong ngắn hạn
Hãy bắt đầu trước và cùng nhau dọn dẹp
Cho con thấy có niềm vui và sự thú vị ở đó. Một bài hát, 1 câu chuyện hóm hỉnh dẫn dắt – trẻ sẽ tham gia vào việc dọn dẹp thật tự nhiên như thể đang vui chơi vậy. Và hãy nhớ : chính Ba/mẹ cũng phải thật sự sẵn sàng với việc đó, chứ không phải là chiêu trò để dụ trẻ.
Những lời chỉ dẫn/đề nghị dễ thương luôn hiệu quả hơn khẩu lệnh
Thay vì chỉ nói là “con dọn dẹp đi”, hãy nói cụ thể về cách bạn muốn con giúp đỡ “Con hãy đặt những con khủng long vào hộp của chúng hoặc con hãy nhặt những cây bút chì màu xanh lam trong khi bạn nhặt những chiếc màu đỏ.
Một trò chơi hấp dẫn
Một bạn đồng hồ sẽ làm trọng tài để xem con và bạn ai có thể bỏ nhiều logo vào hợp hơn và trở thành nhà vô địch hôm nay.
Giáp pháp chúng ta có thể làm để mang đến hiệu quả dài hạn
Hình mẫu về sự ngăn nắp, gọn gàng
Lối sống của Ba, mẹ trong mọi việc và sự sắp đặt không gian chơi, đồ đạc trong gia đình sẽ cho trẻ một hình dung về vị trí đúng của các đồ vật, và sẵn sàng dọn dẹp để mọi thứ trở lại như ban đầu, đúng vị trí của nó. Hãy đảm bảo trẻ dễ dàng nhận biết được đâu là không gian chơi tự do trong nhà, và đâu là nhà của từng món đồ chơi.
Tạo thói quen, nhịp điệu
Thiết lập cho trẻ thói quen hoàn tất công việc của mình bằng việc vui chơi và xếp gọn. Tốt nhất là theo nhịp điệu cố định. Giờ chơi, giờ dọn, giờ vệ sinh,…
Ví dụ: trước giờ ăn cơm là giờ dọn đồ chơi, vào ngày thứ 7 cả nhà sẽ cùng nhau dọn dẹp,…
Nương theo sự sẵn sàng của trẻ
Hãy để trẻ thấy, cho trẻ giúp đỡ, cho trẻ cùng làm và cho trẻ tự thân. Mỗi bước tiến đều cần thời gian, sự phối hợp nhịp nhàng và an ổn trong tâm lý của Ba, mẹ để hỗ trợ cho con.
Hạn chế giải thích quá nhiều
Giải thích không phải là lựa chọn tốt cho trẻ, song chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những lời gợi ý phù hợp ví dụ như: Chúng ta cần có không gian để chạy nhảy, đồ chơi cũng cần về nhà để nghỉ ngơi, giữ đồ chơi của mình an toàn và biết tìm chúng ở đâu vào ngày mai.
Hạn chế cho trẻ quá nhiều đồ chơi trong cùng 1 thời điểm
Quá nhiều đồ chơi trong cùng một thời điểm đều không tốt cho đứa trẻ. Nhiều sự lựa chọn, trẻ sẽ khó tập trung khi chơi. Tốt nhất mỗi lần chơi cần đưa đến cho trẻ ít đồ, hoặc đồ theo chủ đề ví dụ như chủ đề nấu ăn thì sẽ chơi ít đồ liên quan đến nấu ăn. Hoặc trẻ có thể dựa trên món đồ chơi sẵn có để tưởng tượng ra bối cảnh nấu ăn,…