Chúng tôi đang tuyển sinh khối mầm non. Ba mẹ có thể tìm hiểu thêm tại đây nhé.

Lòng biết ơn và thái độ tôn kính là hai đặc tính căn bản giúp trẻ trở thành con người đứng đắn, đạo đức khi trưởng thành. Hai phẩm chất này cần thấm nhuần môi trường xung quanh trẻ mầm non cũng như cần hiển thị trong từng cử chỉ, lời nói, hành động của những người coi sóc và làm việc với trẻ.

Trong cuốn “Sự Phát triển của Ý thức Tuổi thơ”, Rudolf Steiner đã viết: “Tình cảm biết ơn cần được phát triển tự nhiên trong tâm hồn trẻ, giản dị qua việc chứng kiến người lớn tỏ lòng biết ơn mỗi khi người khác tự động tặng quà hay làm việc gì cho mình. Khi thấy trẻ tự mình nói “con cám ơn cô” – không phải vì những người xung quanh thúc giục, mà chỉ qua việc bắt chước người lớn – nghĩa là ta đã làm được một việc rất ích lợi cho cuộc đời trẻ sau này. Bắt đầu từ đó lòng biết ơn tổng thể đối với toàn vũ trụ sẽ được mở mang. Khuyến khích lòng biết ơn trong tâm hồn trẻ là một nhiệm vụ quan trọng của người lớn.”

Và Steiner còn viết thêm: “Nếu ta tạo ra được một bầu không khí đầy lòng biết ơn xung quanh trẻ ngay trong giai đoạn đầu đời, thì, bắt đầu từ thái độ biết ơn đối với thế giới bên ngoài, đối với toàn vũ trụ, ngay cả biết ơn vì đã được sinh sống trên trái đất này, một tình cảm tận tuỵ trung thành, sâu xa và nhiệt tình, sẽ nảy nở trong lòng trẻ… tình cảm của một con người đáng kính trọng, thành thực và chân thật.”

Trong tiềm thức con người, tình cảm biết ơn luôn xuất hiện mỗi khi ta thu nhận bất cứ cảm giác nào, tốt xấu, dễ chịu hay đau đớn. Lý do giản dị ở đây là vì tất cả mọi trải nghiệm trong đời đều ảnh hưởng tới góc cạnh sâu thẳm nhất trong tâm hồn chúng ta, và nhờ đó sẽ tăng cường, thực sự tăng cường, phẩm chất đời sống của ta, ngay cả những trải nghiệm hoàn toàn khó chịu. Hiện tượng này không liên quan gì đến cách cư xử bề ngoài của ta đối với trải nghiệm. Trong đời sống tiềm thức, tất cả những gì xảy ra đều đem đến một tình cảm biết ơn; tất cả mọi cảm giác đều đến với ta như một món quà mà ta cần nhớ ơn.

Thái độ tôn kính bắt nguồn từ tình yêu thương và sự thành tâm. Sự tôn kính chính là lòng mong ước được thấu hiểu những gì cao siêu không thể biết được. Thái độ tôn kính thuần tuý hoà hợp cả phần ý chí (sự thành tâm), tình cảm (tình yêu thương) và sự hiểu biết của trí tuệ (ý thức rõ ràng về thế giới). Như vậy thái độ tôn kính là căn bản của nền giáo dục cho tâm hồn ý thức (consciousness soul). Cách tốt nhất để thấu hiểu một điều gì là thông qua thái độ tôn kính, nghĩa là thấu hiểu với tình cảm yêu quý và sự thành tâm thực sự.

Đối với trẻ nhỏ, thế giới bên ngoài là một thế giới hoàn toàn xa lạ, huyền bí mà trẻ đang muốn tìm hiểu. Phương tiện tốt nhất để giúp trẻ tìm hiểu thế giới này là làm thức tỉnh trong tâm hồn trẻ một thái độ tôn kính đối với môi trường xung quanh; bằng cách này trẻ sẽ có được những trải nghiệm hoàn hảo trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ta có thể ghé mắt, quay tai về đủ mọi hướng để quan sát môi trường xung quanh nhưng vẫn chỉ tiếp thu được một kiến thức trống rỗng về thế giới. Tuy nhiên, nếu biết hạ mình một cách tôn kính, trí óc ta sẽ thu nhận được kiến thức với một sức sống mới; vì những tình cảm nảy sinh từ lòng tôn kính đã tiếp thêm sinh lực cho khả năng thấu hiểu thế giới bên ngoài. Thái độ tôn kính là một hạt giống mà ta đã gieo trong tâm hồn; và hạt giống này sẽ mọc lên thành trái chín. Thái độ tôn kính là một động lực nâng cao tâm hồn, củng cố cho ta thêm sức mạnh và sinh lực dồi dào.

Sự kiện huyền diệu nhất là: Những đặc tính mở mang trong thời thơ ấu và ở tuổi lớn lên thường xuất hiện trở lại theo một hình thức khác khi ta đến tuổi về già. Nếu được nuôi dưỡng và hướng dẫn đúng đắn trong giai đoạn mầm non, khả năng biết tôn kính sẽ phát triển như một hạt giống để biến thành sức mạnh giúp ta sống một cuộc đời đầy năng lượng, thay vì một tuổi già yếu ớt không nghị lực.

Nói tóm lại, để giúp trẻ em phát triển thành con người lành mạnh với kiến thức sâu xa chân thực, hữu ích cho xã hội sau này, một trong những nhiệm vụ của phụ huynh và giáo viên mầm non là hướng dẫn trẻ mở mang những phẩm chất tâm hồn căn bản. Quan trọng nhất trong thời thơ ấu là khuyến khích và cung cấp cho trẻ nhiều cơ hội để bắt chước những cử chỉ biết ơn và thái độ tôn kính của người lớn. Để tự nhắc mình nhớ tới công việc này, ta có thể luôn luôn tự hỏi:

Thái độ biết ơn và tôn kính có sống động trong môi trường lớp học hay trong gia đình ta không?

Lòng biết ơn và thái độ tôn kính có được biểu lộ một cách tự nhiên trong cử chỉ, hành động của người lớn và trẻ em, trong lớp hay ở nhà không, hay luôn luôn bị thúc dục, yêu cầu?

Những biểu lộ của lòng biết ơn và tôn kính này có tính cách tự ý và thành thực không, hay có vẻ uỷ mị, khờ khạo?

Nếu hai thái độ này không hề có trong bầu không khí lớp học và trong gia đình thì sự thiếu thốn biểu lộ như thế nào?

Thanh Cherry

(Dựa theo những bài giảng của Rudolf Steiner)

02363630686