Mùa xuân đang dần gõ cửa, tết đến không chỉ là sự mong đợi háo hức của biết bao bạn nhỏ. Tết đến để được xúng xính áo quần mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì. Tết còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đát trời, vạn vật. cây lá.
Tết còn biểu hiện của sự khao khát trường tồn cuộc sống, sự giao thoa hài hoà của Thiên – Địa – Nhân, mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người và cả sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Nguyên Đán còn là dịp để mọi người hướng về nguồn cội. Đó còn thể hiện niềm tin về giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc và là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Vậy Tết Nguyên Đán có nguồn gốc như thế nào? Ý nghĩa tốt đẹp để lưu truyền qua nhiều các thế hệ về sau ra sao cùng Sunflower Steiner tìm hiểu nhé.
Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết âm lịch, Tết Cổ truyền,… Là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hoá người Việt và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc khác. Nguyên ngĩa của chữ “Tết” chính là “tiết”. Hai chữ “Nguyên Đán” có gốc từ chữ Hán. “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, sơ khai. “Đán” là buổi sáng sớm. Vậy nên, nếu đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.
Tết Nguyên Đán được người Việt thường gọi với tên gần gũi là “Tết ta” để phân biệt với tết dương lịch “Tết Tây”. Ngoài ra, cách tính lịch âm của Việt Nam khác với Trung Quốc. Vì vậy, Tết Nguyên Đán của người Việt không hoàn toàn giống với Tết của người Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng khác.
Cách tính thời gian Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán được tính theo lịch âm (là lịch tính theo chu kỳ vận hành của mặt trăng) Vì thế Tết Nguyên Đán luôn muộn hơn Tết Dương lịch. Dựa vào quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch, ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 dương lịch. Vậy nên, Tết Nguyên Đán thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Và thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (Từ 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán
Phần lớn cho rằng Tết Nguyên Đán được du nhập vào Việt Nam dưới thời 1000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên theo lịch sử Việt Nam, sự tích “Bánh Chưng Bánh Giầy” thì ngày lễ này có từ thời vua hùng tức là trước 1000 năm Bắc thuộc Việt Nam đã có ngày lễ này. Qua thời gian với bề dày lịch sử, ngày nay Tết
Nguyên Đán mang đậm bản sắc văn hoá riêng của người Việt Nam. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm, tượng trưng có sự thống nhất, thịnh vượng và hi vọng tốt đẹp cho tương lai.
Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán mang một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ thể hiện sự giao thoa giữa đất trời và con người với thần linh theo quan niệm của người Phương Đông. Mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn nữa đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi dịp Xuân về, tất cả mọi người đều mong muốn được về sum họp với gia đình thân thương trong những ngày Tết. Được thăm hỏi, tạ ơn ông bà tổ tiên với tất cả sự trân quý biết ơn và ôn lại những câu chuyện kỷ niệm đầy vui tươi. Về quê ăn tết, đó không còn là khái niệm đi hay ở mà còn là hành trình về với cội nguồn, nơi ta sinh ra và lớn lên.
Tết Nguyên đán còn mang ý nghĩa trang trọng là tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới với nhiều mong ước về sức khoẻ , kinh tế, và đời sống gia đình được thăng hoa, hạnh phúc hơn.
Theo quan niệm của người Việt, Tết Nguyên Đán là dịp để thể hiện đạo lý ” Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc và cụ thể nhất. Hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị nhân văn của người Việt với Tết Nguyên Đán. Người ta tin rằng, dịp Tết tổ tiên sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên để chứng kiến lòng thành của con cháu. Từ đó, sẽ phù hộ cho con cháu được khoẻ mạnh, làm ăn ổn đinh và cuộc sống sung túc hạnh phúc hơn. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp và bền vững cho tới ngày nay.
Tết đến, người Việt thường chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ để thể hiện mong cầu cho sự sung túc trong năm mới. Những bữa ăn được bày biện đầy ắp, áo quần luôn tươm tất sạch đẹp. Mọi người gần gũi nhau, thăm hỏi và dành tặng những lời chúc phúc tốt đẹp trong năm mới. Qua đó, thể hiện được giá trị đạo đức, văn hoá, thẩm mỹ mà người Việt muốn đạt được. Vì vậy, Tết Nguyên Đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả mọi người.