Chúng tôi đang tuyển sinh khối mầm non. Ba mẹ có thể tìm hiểu thêm tại đây nhé.

Rudolf Steiner là người tiên phong đưa ra khái niệm con người 12 giác quan. Những giác quan chính là cầu nối là cánh cửa để mỗi cá thể bước ra thế giới và đồng thời hấp thụ, học hỏi từ thế giới. Quá trình hòa nhập và phát triển bản thân, trải nghiệm đời sống chính là nhờ thông qua các giác quan. Cả 12 giác quan đều tồn tại và sẵn có trong mỗi người từ khi sinh ra, tuy nhiên quá trình lớn lên sẽ cho phép các giác quan được phát triển, nở rộ và hoàn chỉnh. Tất nhiên cũng có cả những nguy cơ về rối loạn giác quan trong các trường hợp phát triển thiên lệch.

Trong 12 giác quan được Steiner đề xuất, có 4 giác quan quan trọng gắn liền với cơ thể vật lý được xem là những giác quan nền tảng bao gồm:

– Giác quan sờ chạm (sense of touch)

– Giác quan đời sống (sense of life)

– Giác quan cân bằng (sense of balance)

– Giác quan vận động (sense of movement)

Đây cũng chính là 4 giác quan quan trọng nhất cần được nuôi dưỡng và phát triển, điều chỉnh trong giai đoạn từ 0 – 7 tuổi.

Tương ứng với giai đoạn 7 năm đầu đời được xem là giai đoạn của ý chí, 4 giác quan nền tảng cũng được coi là các giác quan của ý chí – chúng được sử dụng để giúp trẻ cảm nhận và kết nối với chính cơ thể của mình. Đây là giai đoạn cơ thể vật lý Trẻ hoàn thiện song song với sự phát triển các giác quan xúc giác này.

Trẻ bước vào thế giới với đầy sự mới mẻ và là một khối giác quan cho phép hấp thụ toàn bộ những gì tác động tới mình một cách vô điều kiện. Đứa trẻ học hỏi thông qua vận động, thông qua chính cơ thể mình – và bằng toàn bộ các giác quan.

XÚC GIÁC – GIÁC QUAN SỜ CHẠM

Làn da chính là cơ quan của xúc giác – sự tiếp chạm thế giới thông qua làn da cho phép Trẻ cảm nhận lan truyền khắp cơ thể. Từ trong bào thai mẹ, vào khoảng tuần thứ 9, thai nhi đã có sự phát triển về xúc giác, quá trình sinh thường của mẹ là bước phát triển xúc giác toàn thân mạnh mẽ với em bé, và sau đó là các hoạt động như bú mẹ, ôm ấp, vuốt ve,… Sờ chạm chính là trải nghiệm giúp trẻ cảm nhận được Hơi ấm – điều cốt yếu để nuôi dưỡng, phát triển thể vật lý cho trẻ.

Giác quan sờ chạm sẽ cho trẻ những tín hiệu để nhận biết cảm giác bên trong mình, những kích thích, cảm nhận từ bên trong, cho con cảm giác thoải mái, an toàn, dễ chịu… ví dụ như những cái ôm, nắm tay, vuốt ve, âu yếm …hay mềm mại của nước, cứng rắn của đá, mát lành của hạt mưa, … hoặc cảm giác về sự khó chịu, đau đớn, bất an … ví như bước đi trên đá, chạm vào các vật nhọn, hay sự bấu véo, đánh đập…

Một mặt khác việc sờ chạm vào thế giới bằng chính cơ thể mình cũng giúp con học hỏi, cảm nhận về vật chất bên ngoài mang đến cơ hội trải nghiệm về thế giới, về các vật liệu, về sự sống, về sự thay đổi và hình khối, trạng thái của vật chất trong đời sống quanh mình.

Xúc giác còn được xem xét ở khía cạnh bên trong thông qua quá trình ăn – uống của trẻ. Khi các thực phẩm đi vào cơ thể sẽ giúp trẻ có được những tiếp chạm bên trong, cho trẻ các cảm nhận về sự nhạy cảm với thực phẩm.

Khi trẻ có được nhận thức rõ ràng về thế giới bên ngoài, thì đồng thời quá trình hình thành cái tôi bên trong sẽ diễn ra thuận lợi, cho trẻ khả năng vừa tiếp nhận và vừa tách rời bản thân với thế giới bên ngoài, để Trẻ có được sự làm chủ với chính mình, một ý thức rõ ràng về cái tôi khác biệt là mình trong thế giới.

MÔI TRƯỜNG CHO TRẺ PHÁT TRIỂN XÚC GIÁC

Cho trẻ môi trường sống lành mạnh với các chất liệu tự nhiên, an toàn và tự do chạm vào thế giới là cách tốt nhất để Trẻ kết nối, học hỏi tự thân.

– Cho trẻ hơi ấm và tình yêu qua sự âu yếm, cử chỉ, ánh mắt, bàn tay,…

– Trang phục quần áo với chất liệu tự nhiên, thoáng mát, dễ chịu,..

– Tắm cho trẻ

– Cho trẻ tham gia vào các hoạt động bằng tay: làm vườn, làm bánh, giặt đồ, lau chùi, …

– Cho trẻ vận động ngoài trời tiếp xúc với mặt trời, gió, …

– Tiếp chạm với các vật liệu nuôi dưỡng đại diện cho 4 yếu tố: Đất, Nước, Lửa , Khí và các khoáng vật..

Đó là những cách mà chúng ta giúp trẻ phát triển XÚC GIÁC lành mạnh và hài hòa, làm nền tảng để Trẻ phát triển ý chí, cơ thể vật chất, trí tưởng tưởng, tính thiện trong giai đoạn ấu thơ quan trọng này.

02363630686