Từ khi còn chưa biết đi, hầu hết đứa trẻ nào cũng đầy hứng thú với những bậc cầu thang. Đó là 1 trải nghiệm thú vị – hoàn toàn khác với mặt phẳng, 1 trải nghiệm của sự tiến lên đầy nỗ lực của trẻ.
Trong trường mầm non, ba/mẹ sẽ thấy cầu thang là nơi những đoàn tàu xuất hiện, nhưng không nối đuôi nhau, mà lần lượt, từng bước, thật nhẹ nhàng và CÓ QUY TẮC AN TOÀN CẦN TUÂN THỦ
Đó là:
– Đi cầu thang, mình thẳng 1 hàng;
– Đi cầu thang, mình bước nhẹ nhàng;
– Đi cầu thang, mình chắc tay nắm từng bước chân;
– Không nối đuôi; nắm tay vịn áo;
– Không đùa nghịch, xô đẩy nhau;
– Trẻ nhỏ, đi cầu thang luôn có người lớn đi cùng hỗ trợ, không hối thúc.
Đi cầu thang là một năng lực nhìn thấy được của trẻ.
#Dưới_1_tuổi ( thường trước khi biết đi ) – Trẻ sẽ bò lên từng bậc, bò nhanh, bò bám từ từng bước cho tới thành thục, dù là cầu thang thấp hay cao thật cao – dường như chỉ sau 1 vài tháng, trẻ đã thành thục việc tiến lên cầu thang 1 cách tự tin.
Trong giai đoạn này, sự theo sát ngay gần trẻ là điều bắt buộc, và hãy cho trẻ được tiến lên, việc đi xuống tốt nhất chưa cần thử nghiệm. Điều nên làm là giữ yên lặng, quan sát, hoặc chỉ dẫn 1 chút, tin tưởng và cho trẻ sự an tâm khi biết có sự bảo vệ thường trực bên mình.
#Từ_1_đến_2_tuổi :Khi trẻ biết đi chập chững, cũng là lúc trẻ tiến lại gần cầu thang và mạnh dạn bước đứng, tay vịn vào thành và men theo từng bậc thang. Trẻ đã chuyển tư thế từ bò, tập trung lực lên hai tay để nâng đỡ thân người lên bậc, giờ đây, trẻ đã dồn lực xuống chân, đứng thẳng, đôi khi vẫn sẽ bò để chinh phục những bậc thang quen thuộc. Trẻ cũng bắt đầu có thể tập luyện việc đi xuống cầu thang cùng người lớn.
Lúc này, trẻ sẽ rất khoái chí nếu được hỗ trợ nắm tay ( 2 tay rồi 1 tay ) để mình có thể bước lên từng bậc ở tư thế thẳng đứng. Chú ý là đừng vội, đừng để trẻ quá khích và quên mất nhịp điệu ổn định, vững chãi ở từng bước chân. Chúng ta có thể hướng trẻ đi đúng tư thế, vị trí, và cho trẻ tiếp cận gần với tay vịn.
#Từ_2_đến_3_tuổi: Khi việc đi đứng của trẻ đã cứng cáp, nhanh nhẹn, trẻ sẽ dần tự mình vịn tay cầu thang để bước lên, men theo từng bậc với tốc độ ổn định. 1 vài trẻ ở độ tuổi này đã có thể tự mình bước đi chắc chăn không cần đến sự hỗ trợ nắm tay của người lớn. Tuy nhiên, việc xuống cầu thang ở độ tuổi này vẫn còn chưa thành thục.
Thời điểm nay, điều cần làm là hỗ trợ trẻ những lúc cần thiết, hướng dẫn về sự chú tâm để trẻ duy trì nhịp điệu trước khi lên/xuống cầu thang, Thi thoảng trẻ sẽ cảm thấy mệt và di chuyển rất chậm – hãy đảm bảo là ba/mẹ vẫn ở đó – bên cạnh, ở dưới/trên cách 1 – 3 bậc để khích lệ trẻ thay vì hối thúc, chê trách sự chậm trễ.
#Từ_3_đến_5_tuổi: Đứa trẻ có thể chất tốt thì đây là giai đoạn những bước lên xuống cầu thang đã trở nên linh hoạt, chắc chắn, và có thể chạy liếng thoáng không cần đến tay vịn ( 5 tuổi )
Mặc dù có thể đi/chạy trên cầu thang, nhưng đây cũng là giai đoạn trẻ hiếu động, tinh nghịch và tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Do đó, việc đi cầu thang vẫn cần được đảm bảo những nguyên tắc an toàn. Để mỗi bước chân như là một nhịp thư giãn đưa trẻ về trạng thái cân bằng trước khi chuyển tiếp qua một không gian mới.
Quan sát trẻ làm việc với cầu thang ( ở nhà, ở trường, ở nơi công cộng …) cũng sẽ mang đến những bức tranh sống động về sự phát triển của trẻ cả về thể chất, lẫn ý chí và những tiến bộ về kỹ năng.