Trong giáo dục Steiner, chúng ta thường nghe đến Sự mộng tưởng và Trí tưởng tượng ở trẻ nhỏ. Vậy có điều gì khác nhau giữa chúng? Thật ra, mộng tưởng là những sự phát triển đầu tiên của trí tưởng tượng. Mộng tưởng chuyển thành tưởng tưởng, tưởng tượng hình thành tư duy.
Sự mộng tưởng nó có tính chất của một sự không lâu dài, dễ thay đổi và có nhiều yếu tố về thần kì, ảo mộng trong đó. Bạn sẽ thấy rõ điều này ở một em bé nhỏ 3 tuổi. Từ một cục gỗ, em bé trong lúc chơi có thể tưởng tượng nó thành 1 con người, rồi vài phút sau nó sẽ có thể biến thành 1 chiếc xe, vài phút sau nữa nó biến thành 1 con vật nào đó. Tính chất thay đổi là đặc tính của sự mộng tưởng.
Thế giới mộng tưởng của trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ sống trong một thế giới mà ở đó không có quá nhiều sự logic. Các con đến với thế giới là một tờ giấy trắng về mặt khái niệm. Thông qua môi trường mà các con lớn lên, con tiếp nhận, con bắt chước, con tạo dựng các quan điểm về thế giới, con dần hình thành suy nghĩ của mình khi trưởng thành. Do đó, dù phi logic, nhưng năng lực về khía cạnh tư duy của con phát huy theo một cách không biên giới. Đứa trẻ, hoàn toàn, tin tưởng vào thế giới. Các con luôn sống trong mọi khoảnh khắc rất trọn vẹn, các con nếm, ngửi, chạm và mang hết những điều đó vào bên trong mình. 1 con sâu be bé đang bò với con cũng đầy kì thú chẳng khác gì một kì quan. Đối với trẻ, thế giới luôn hấp dẫn, kì diệu và đầy sự ngạc nhiên. Khi những năng lực đầu tiên của tư duy phát hiện, đó là sự mộng tưởng. Đứa trẻ bằng phẩm chất kì diệu của mình luôn bị hấp dẫn bởi những câu chuyện về thần tiên và những hình ảnh đầy phép màu. Đối với người lớn, truyện thần tiên là phép màu, là tưởng tượng. Đối với trẻ nhỏ, đó là sự thật, và chúng đẹp và kì diệu như bất kì các hiện tượng nào trong cuộc sống khác mà các con đang trải nghiệm. Đặc tính kì diệu là một khía cạnh khác của sự mộng tưởng.
Đối với trẻ nhỏ sự mộng tưởng cần được tiếp sức từ bên ngoài
Vậy, chúng khác gì so với sự tưởng tượng? Trí tưởng tượng không phải cũng giống thế sao? Thật ra, so với mộng tưởng, trí tưởng tượng là một năng lực mạnh hơn. Em bé nhỏ, có sự mộng tưởng, các con cần được tiếp sức từ bên ngoài, tự bên trong các con chưa có đủ năng lực để tự tưởng tượng. Chẳng hạn, với trí tưởng tượng chúng ta có thể hình dung nhanh chóng ra “con bướm” khi chúng ta nghe 2 từ đó, nhưng trẻ nhỏ đôi khi bạn cần 1 chiếc lá vẫy rung rinh để đứa trẻ có thể nhìn thấy “con bướm” bên trong chúng.
Điều này đặc biệt thể hiện trong cách chơi của trẻ nhỏ và trẻ lớn. Trẻ nhỏ chúng chơi một mình hoặc vài người bạn, nhưng chúng không thật sự “chơi chung”, chúng loanh quanh với các đồ vật nhỏ quanh mình. Chúng không thể chơi 1 trò lâu dài bởi năng lực của trí tưởng tượng chưa có nhiều. Trong khi trẻ lớn, chúng tưởng tượng ra những điều mình muốn, chúng lên kế hoạch,chúng diễn tả sự tưởng tượng của mình cho người khác, rồi chúng kết hợp với nhau để cùng chơi. Chúng chơi 1 trò lâu dài, với sự tưởng tượng dồi dào liên tục. Bạn có thể thấy, mộng tưởng cần những sự gợi hứng từ bên ngoài trong khi trí tưởng tượng là năng lực tự chủ mạnh lên từ bên trong.
Như vậy, bạn có thể thấy, trí tưởng tượng là một năng lực cao hơn mộng tưởng. Và bằng việc nắm bắt sự phát triển của trẻ, chúng ta biết cách “tiếp sức” cho con như thế nào. Đó là lý do, khi kể chuyện với trẻ nhỏ các cô luôn luôn có những con rối mô phỏng, khi đọc thơ, luôn kèm các chuyển động của tay chân và cơ thể để mô tả. Việc hiểu rõ tính chất của các năng lực ở trẻ giúp chúng ta mang đến những khía cạnh phù hợp hơn.