Dù chúng ta vẫn luôn thấy rõ rằng trong khi chơi, trẻ học và phát triển những kỹ năng quan trọng mà chúng sẽ tiếp tục sử dụng trong suốt cuộc đời mình. Thì thực tế – điểm mấu chốt vẫn là “NIỀM VUI” trong hoạt động chơi của trẻ.
Trong trạng thái của việc tận hưởng niềm vui nghĩa là trẻ đã nhận được vào mình những điều tốt đẹp và giá trị. Và biểu hiện của NIỀM VUI TRONG VUI CHƠI không đơn thuần là chúng cười vang, hét lên sung sướng … mà là ở sự sẵn sàng tham gia, say sưa, ánh mắt chăm chú, nỗ lực hoàn thành trong quá trình chơi, và trạng thái thoái mái, tươi tỉnh của trẻ sau đó.
Cùng với sự phát triển về nhận thức, các kỹ năng của trẻ – mỗi hoạt đông chơi của trẻ đều có xu hướng diễn tiến phức tạp hơn, sâu sắc hơn và có tính tổ chức tốt hơn theo thời gian. Quá trình này được nâng lên mỗi ngày, nếu trẻ được tự do vui chơi trong môi trường lành mạnh. Có thể hiểu đơn giản là cũng như đứa trẻ, hoạt động chơi có nhiều giai đoạn phát triển để mang đến cho trẻ những bài học lớn hơn.
Hãy xem xét quá trình đứa trẻ chơi tự do trong nhà, điển hình là hoạt động chơi với các vật liệu gỗ trong nhà:
– Lúc dưới 1 tuổi: Chúng chỉ quẩn quanh bên mẹ, cầm và ném các đồ vật như cách để xem chúng là gì, chúng có gì vui. Các em bé trong tuổi này rất thích sờ chạm và ném là vì thế. Hoạt động này đơn giản chỉ cần em tác động bằng toàn bộ vùng tay, bàn tay hoặc chân, đôi khi là cả cái miệng chúm chím. Niềm vui của trẻ được bật ra bằng đôi mắt khoái chí, say sưa, và vài âm thanh quen thuộc khi ném được thứ chúng vừa chạm vào.
– Lúc 1 – 2 tuổi: Chúng bắt đầu xếp chồng các khối gỗ lên nhau, hoặc các đồ vật lên nhau, thường là 2 tầng, rồi xô đẩy tất cả, tan tành, rồi lại xếp, rồi lại phá. Lúc này cần đến 3 ngón tay để trẻ cầm, nhấc khối gỗ…dần dần sẽ là 2 ngón tay. Chúng ta sẽ thấy niềm vui nằm ở ngay thời điểm trẻ xếp chồng lên thành công hay lúc xô đổ hết mọi thứ … đứa trẻ sẽ vỗ tay và phấn khích để được bắt đầu lại hoạt động này.
– Lúc 3 – 4 tuổi: Chúng bắt đầu lắp ráp các khối gỗ, hay những chiếc ghế, chăn mền, gối,…bất kể thứ gì trong vùng chơi mà trẻ có thể tiếp cận được. Các công trình có thể những căn phòng để nằm ngủ, cho búp bê, làm nơi trú ẩn, hay những bức tường thành, những bể bơi, những ngôi nhà nhiều phòng, 1 vài bạn có thể xếp được tảu hỏa, các loại xe… ở mức đơn giản. Chúng sẽ bắt đầu tận dụng những công trình này cho các câu chuyện đầy sức sống của mình. Và nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy niềm vui của trẻ được biểu hiện ở trạng thái sẵn sàng trong ý tưởng để trẻ bắt đầu tổ chức hoạt động chơi của mình. Đứa trẻ dường như đã có sẵn, và chỉ cần đúng thời điểm, chúng sẽ biết mình phải xếp bao nhiêu đồ, xếp như thế nào, để tạo ra được không gian như ý của mình. Kể cả việc chúng bắt đầu sắp xếp, điều chỉnh và gia cố thêm cho phần chi tiết để có được thành quả hoàn hảo nhất. Có 1 điều là chúng sẵn sàng dở bỏ hết sau giờ chơi… bởi ngày mai ( hoặc bất kể lúc nào ) chúng cũng có thể làm mới lại 1 cái còn đẹp hơn thế. Điều đó thật tuyệt vời!
Từ 5 – 6 tuổi: Cấu trúc lắp ráp và sắp đặt đồ đạc trở nên quy mô, phức tạp hơn nhiều. Hoạt động xây dựng nở rộ với cả trẻ nam và nữ. Chúng có thể dùng tới cả bàn, ghế và những miếng ván cong lớn để kết hợp tạo nên các công trình cực kỳ chắc chắn, có tính thẩm mỹ và chức năng rõ ràng. Các ngôi nhà lớn hơn, cao hơn, các tòa tháp cũng cao hơn, nhiều chi tiết hơn. Và đặc biệt chúng ta sẽ thấy đứa trẻ thường tổ chức chơi cùng nhau. Lúc này, khả năng tương tác của trẻ đã tốt hơn, đáp ứng được việc kết hợp để cùng nhau làm việc, phân công vai trò và hiện thực hóa những câu chuyện, ý tưởng của mình. Đây cũng là giai đoạn niềm vui được biểu hiện rõ nét qua sự phấn khích, ngôn ngữ, các biểu cảm và mối quan hệ thân thiết giữa các nhóm chơi. Dường như, chúng sẽ chẳng bao giờ hết ý tưởng để bắt đầu việc chơi của mình.
Cứ thế chúng sẽ vui chơi mỗi ngày để khám phá thế giới quanh mình và những năng lực bên trong bản thân.
Đứa trẻ chỉ cần được vui chơi! việc học sẽ tự nhiên và dễ dàng xảy ra sau đó!