Rudorf Steiner từng nói rằng “Màu sắc là linh hồn của thiên nhiên …, và khi chúng ta trải nghiệm màu sắc, chúng ta cũng đã là một phần của thiên nhiên”. Việc sử dụng màu sắc trong các trường học Waldorf là điều rất đặc biệt, và cũng là một trong những điểm đặc trưng của các trường Waldorf. Màu sắc là một cách thể hiện và kết nối cảm xúc của chúng ta với thế giới xung quanh. Màu sắc là đời sống tình cảm của thiên nhiên, và việc nhìn thấy màu sắc trong trường học có thể gắn kết tâm hồn của chúng ta và nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của chúng ta.
Trải nghiệm nghệ thuật có tương quan rất gần với đời sống cảm xúc của trẻ. Vì vậy nghệ thuật đóng một vai trò trung tâm tại các trường học Waldorf. Nếu như tông (tone) là yếu tố chính trong âm nhạc, hình dạng là căn bản của tạo hình thì màu sắc chính là điều cốt yếu của hội họa. Trải nghiệm với màu sắc là điều cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của tâm hồn con người nói chung. Màu sắc có các phẩm chất khách quan, nội sinh ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nội tâm của con người. Chúng ta phản ứng với màu sắc theo cảm xúc của mình. Màu sắc khởi sinh những phản ứng bên trong chúng ta. Nó thể hiện, phát triển và làm cuộc sống nội tâm của ta tinh tế hơn.
Trong lớp học mầm non Waldorf Steiner các bài học vẽ chủ yếu tập trung vào đặc tính trong suốt, dòng chảy màu sắc được giải phóng khỏi các hình dạng. Trẻ bắt đầu trải nghiệm chính bản thân màu sắc trước chứ không phải là một hình dạng, hay một vật thứ cấp nào được tạo ra từ bức vẽ. Trẻ được làm quen với các màu đơn cơ bản trước như các màu đỏ, vàng, xanh. Sau đó sẽ khám phá ra sự năng động và mối tương quan giữa các màu sắc một cách tự do và tự nhiên.
Mỗi màu sắc tiêu chuẩn ( về sắc độ và hình thái ) được giới thiệu tới trẻ trong trường Waldorf đều mang những ý nghĩa nuôi dưỡng sự phát triển lành mạnh với trẻ. Ví như: Màu đỏ mang đến trải nghiệm về sức sống và sức mạnh nội tại, là màu thể hiện sự hành động, mục tiêu, ý chí và sự ấm áp. Các phẩm chất màu sắc này thể hiện ý chí trong đời sống nội tâm của trẻ nhỏ, khi trẻ còn đang trong giai đoạn học qua hành động và bắt chước chứ không phải học qua kiến thức của trí óc. Trong khi, màu xanh dương với trạng thái tĩnh, lạnh và trầm ngâm hình thành một thái cực đối lập với màu đỏ. Suy nghĩ là một hoạt động nội tâm đòi hỏi một mức độ tĩnh. Phẩm chất của xanh dương chính là những phẩm chất ta cần cho sự suy nghĩ. Hay giữa hai thái cực màu đối lập ấy là những màu trung gian, cân bằng các sự đối lập và thể hiện sự phát triển về cảm xúc của trẻ, xanh lá chính là màu của sự cân bằng. Hay màu vàng với phẩm chất sang trọng thư thái và là khơi nguồn cho sự sáng tạo và cũng là một gam màu thể hiện sự ấm áp.
Trải nghiệm màu sắc cũng mang đến sự thú vị đối với trẻ trong mỗi giờ vẽ. Bắt đầu từ gam màu đơn sắc khi vẽ lên giấy sẽ có độ đậm nhạt, loang khác nhau tuỳ vào nhiều yếu tố như thấm màu, lượng nước và lực cầm cọ. Mỗi đường nét đều mang lại sự hứng thú tuyệt vời. Khi sự cảm nhận những màu sắc cơ bản đã chính muồi, trẻ sẽ được quan sát và trải nghiệm về sự giao thoa giữa 2 và nhiều sắc màu khác nhau. Lúc này ngoài độ đậm nhạt, trẻ sẽ có thêm sự quan sát thú vị về sự giao thoa các màu với nhau tạo nên một loại màu mới.