Não bộ của trẻ được sinh ra với hàng triệu tế bào thần kinh ở trạng thái lộn xộn chưa được kết nối. Qua thời gian chúng bắt đầu được liên kết với nhau và dần được củng cố, hoàn thiện thông qua việc quan sát, bắt chước, lặp lại, thử, sai, làm lại, đúng cho tới khi trẻ nhận ra cách phù hợp để làm ra điều chúng muốn, hay giải quyết được vấn đề của mình.
Quá trình học tập của trẻ diễn ra liên tục trong suốt cả ngày hoạt động của trẻ. Các giác quan nền tảng cho phép trẻ tiếp cận với thế giới bên ngoài, và chúng học thế giới từ những thứ nhìn thấy, chạm được, cầm nắm được nếm được, ăn được, …
Lấy ví dụ từ 1 miếng gỗ nhỏ – đầu tiên trẻ thấy chúng trong tầm với, cầm nắm chắc được trong tay mình, sau đó đưa vào miệng và nếm. Lúc này não bộ đã cho phép ghi nhận hình dáng, ghi nhận về cảm giác trọng lượng, về các góc cạnh, hơi ấm và mùi vị của miếng gỗ.
Khi trẻ lớn lên 1 chút, chúng bắt đầu làm việc được với nhiều khối gỗ hơn và thử tố chúng vào nhau, tạo nên âm thanh, những va chạm, rồi xếp chồng lên nhau tạo nên 1 hình thù khác, trẻ bắt đầu xô đổ các tòa tháp rồi lại xây, rồi lại xô đổ – sự lặp lại này xảy ra bởi não bộ được kích thích các tế bào thần kinh, và cho phép trẻ hình dung được tính nguyên nhân kết quả, hình thành 1 tư duy chủ động tạo ra 1 lực tác động lên sự vật ở bên ngoài mình.
Ở 1 khía cạnh khác – trong giai đoạn này – trẻ cũng sẽ bắt đầu để ý đến cách chúng ta gọi tên đồ vật. Khi trẻ chơi với cùng 1 đồ vật – và sự lặp lại âm thanh mà người lớn gọi tên khiến trẻ bắt đầu có cảm nhận về âm tiết – não bộ của trẻ sẽ dần ghi nhận đươc âm, từ được lặp lại đủ nhiều về cùng 1 đối tượng, cho đến lúc trẻ hiểu được rằng – đây là khối gỗ, đây là cái muỗng, đây là bông hoa,…trẻ bắt đầu hình thành nên kho từ vựng của mình và làm đầy nó mỗi ngày làm – điều này giúp cho bán cầu não trái của trẻ sắp xếp và hình thành nên các suy nghĩ, tư duy để sau đó cho phép trẻ nói ra 1 câu ngắn, 1 câu dài theo chủ đích của mình. Trẻ bắt đầu đặt được câu hỏi cũng là dấu hiệu cho thấy thành quả của quá trình tích lũy, học hỏi trước đó, đồng thời là nền tảng cho việc hình thành trí nhớ xây dựng kiến thức và kinh nghiệm về thế giới.
Ở độ tuổi lớn hơn, não bộ của trẻ vẫn sẽ tiếp tục học hỏi bằng cách này, đồng thời cho phép truy cập vào kho dữ liệu thông tin đã được tích lũy trước đó, sử dụng kinh nghiệm đã hình thành để tiếp tục trải nghiệm và học hỏi thêm những điều mới mẻ, trẻ có thể tái hiện các hoạt động, hình ảnh đã đi vào mình thông qua hoạt động chơi một cách sống động, phong phú hơn.
Một lần nữa – việc cho trẻ được chơi tự do trong không gian với các chất liệu tự nhiên lành mạnh là vô cùng quan trọng với sự phát triển não bộ của trẻ.