Viêm tai giữa ở trẻ em là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt là ở thời điểm giao mùa nắng mưa thất thường, độ ẩm tăng cao thường dễ mắc các bệnh về tai, mũi, họng. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ độ tuổi mầm non. Tuy đây là bệnh lý phổ biến nhưng không nên coi nhẹ bởi có thể để lại di chứng lâu dài nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Rất nhiều trường hợp trẻ bị nghe kém, điếc hoặc nhiễm trùng huyết do viêm tai giữa. Hiểu đúng về bệnh lý viêm tai giữa giúp ba mẹ phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời tránh nguy cơ biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Vì sao trẻ bị viêm tai giữa ?
Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng gây sưng, đau, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ độ tuổi mầm non do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn chỉnh, hệ miễn dịch kém. Viêm tai giữa có ba cấp độ: Viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa mạn tính, viêm tai giữa ứ dịch.
Trẻ nhỏ là đối tượng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa cao và biến chứng cũng nguy hiểm. Nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh là do virus, vi khuẩn gây ra. Khi trẻ ốm sốt, đau họng, nhiễm trùng đường hô hấp, các virus có thể xâm nhập vào tai giữa thông qua các dịch, đờm. Từ đó dẫn đến tai giữa bị viêm chảy dịch và có mủ. Nhất là thời điểm giao mùa, các bệnh viêm mũi họng mà trẻ hay gặp phải như Viêm amidan, viêm xoang, viêm họng, viêm VA,… cũng có thể dẫn đến biến chứng là viêm tai giữa. Ngoài ra, viêm tai giữa còn có thể gặp đối với trẻ sử dụng núm vú giả, trẻ bú bình, trẻ đi học mầm non, trẻ tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm,….
Viêm tai giữa có nguy hiểm không?
Viêm tai giữa là bệnh lý viêm nhiễm phổ biến, tuy nhiên nếu không điều trị dứt điểm có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng cuộc sống lâu dài. Có thể gây nghe kém hoặc điếc. Tình trạng này khiến trẻ nhỏ chậm nói, chậm phát triển, khiến trẻ mất tự tin và khó khăn trong việc giao tiếp. Đặc biệt, còn có thể gây biến chứng viêm não hoặc viêm màng não rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Bệnh viêm tai giữa ở Việt Nam rất phổ biến, có thể trở thành dịch trong các trường mầm non và tiểu học. Do đó ba mẹ cần chú ý phòng ngừa, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non. Việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ trẻ ở những thời điểm giao mùa cần được chú trọng.
Dấu hiệu nhận biết Trẻ bị viêm tai giữa
Trẻ bị viêm tai giữa thường có những biểu hiện sau đây:
- Sốt cao 38 độ C (có thể lên 39độC), nhức đầu, đau đầu, giảm thính lực tạm thời
- Trẻ chậm phản ứng với âm thanh.
- Trẻ bị đau trong tai, hay có thao tác dụi tay hoặc kéo vành tai.
- Trẻ khó chịu, trằn trọc khó ngủ, quấy khóc.
- Ở tai có dịch mủ chảy ra từ ống tai ngoài.
- Trẻ bị tiêu chảy, nôn ói
- Trẻ chán ăn, bỏ bú, ăn không ngon miệng.
- Trẻ dễ bị mất thăng bằng khi đi.
Các biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ em khá dễ nhận biết bằng mắt thường, ba mẹ cần chú ý quan sát khi thấy trẻ có nhiều biểu hiện khác lạ.
Cần phải làm gì khi trẻ bị viêm tai giữa?
Đa số các trường hợp viêm tay giữa ở trẻ là biến chứng từ bệnh lý viêm mũi họng thông thường. Vì vậy, đầu tiên cần điều trị các bênh lý về mũi họng trước. Viêm tai giữa nếu ở dạng nhẹ sẽ thuyên giảm và khỏi sau vài ngày. Các triệu chứng cũng giảm dần rồi biến mất. Tuy nhiên, ba mẹ không nên chủ quan mà cần tiếp tục theo dõi các dấu hiệu ở trẻ, nếu tình trạng nhiễm trùng tai nghiêm trọng hơn, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
Khi bệnh lý chuyển tiếp ở giai đoạn mạn tính sẽ có biểu hiện xung huyết. Nếu bệnh kéo dài có thể trẻ sẽ cần dùng thuốc để điều trị. Ba mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ thường xuyên để được lên phác đồ và điều trị dứt điểm. Không nên để bệnh kéo dài và tiến triển sang giai đoạn ứ dịch hoặc vỡ mủ. Thời điểm này không những khó khăn trong việc điều trị mà còn dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
Viêm tai giữa nặng nhất khi tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, nhất là khuẩn phế cầu, đồng thời gây bệnh viêm đường hô hấp nặng. Khi đó, trẻ sẽ phải sử dụng thuốc kháng sinh điều trị và được bác sĩ chuyên khoa theo dõi thường xuyên.
Làm gì để phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ?
- Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng, không dùng chung đồ dùng ăn uống, dạy trẻ che miệng khi ho, hắt hơi.
- Giữ ấm cho trẻ ở mùa lạnh và lúc thời tiết chuyển mùa.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng vận động để tăng cường đề kháng tự nhiên cho trẻ.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường khói bụi, thuốc lá.
- Không cho trẻ tăm hoặc bơi ở nơi có nguồn nước bẩn.
- Vệ sinh tai cho trẻ bằng tăm bông hoặc khăn vải mềm sau tắm gội, hạn chế để nước vào tai trẻ khi tắm.
- Khi trẻ bị ốm sốt, viêm mũi họng, cần điều trị dứt điểm triệu chứng.
- Tiêm vacxin đầy đủ theo lịch của bác sĩ.
- Vệ sinh môi trường sống, đồ chơi quần áo của trẻ thường xuyên.
Viêm tai giữa là bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi tuy nhiên trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh. Ba mẹ cần lưu ý đến trẻ, khi thấy có dấu hiệu cần đi khám ngay để điều trị sớm để phòng ngừa các biến chứng xảy ra. Giữ ấm cơ thể , có chế độ dinh dưỡng và vận động khoa học, giữ thói quen vệ sinh cá nhân sẽ giúp trẻ có một sức khoẻ tốt, hạn chế tối đa các bệnh lý ở thời điểm giao mùa.