1. Nhìn nhận con người toàn diện.
Điểm cốt lõi nhất của giáo dục Steiner là nhìn nhận con người ở một cái nhìn tổng quan và rộng lớn. Trong giáo dục, cái thấy của chúng ta về cái gọi là “con người” thực sự có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các mục tiêu trong các công việc mà ta làm.
Mục đích thật sự cuối cùng của giáo dục không nằm ngoài 2 chữ “Học làm người”. Con người là một thực thể vô cũng kì diệu. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa khám phá được hết các khía cạnh về cơ thể vật lý của con người. Và cơ thể này là một cơ quan sinh hóa tinh vi nhất trên hành tinh này. Từ lâu, khoa học đã bắt đầu nghiên cứu và nhìn nhận những khía cạnh có tính chất “không nhìn thấy được” của con người.
Và tại thời điểm này, đã đến lúc chúng ta không chỉ nhìn nhận một con người chỉ dựa trên khía cạnh duy vật. Vô cùng cần thiết để đem điều này vào trong giáo dục. Chúng ta cần giáo dục con người không chỉ hướng đến trí tuệ, kiến thức mà còn giáo dục về mặt cảm xúc, đồng thời phải nhìn nhận các giá trị tinh thần tâm linh cao cả ngự trị bên trong mỗi con người.
Ở Việt Nam, khi đề cập đến giá trị tâm linh nó dễ khiến người ta gợi các liên tưởng đến những gì có tính mê tín dị đoan. Thật ra, giá trị tâm linh của một con người nằm ở bản chất cao đẹp, thiêng liêng sâu bên trong họ. Đó là sự công nhận về tính độc nhất, độc lập và cá nhân của chúng ta trong vũ trụ. Và cũng chính là nơi mà chúng ta mở rộng các khả năng của mình để hòa hợp mình với sự sống không tách rời.
Chúng ta bước ra từ sự thiêng liêng cao đẹp, chúng ta bước đi trong đó, và chúng ta sẽ quay trở về đó. Bằng cách nhìn nhận các giá trị thiêng liêng cao cả sâu trong bản chất của con người, chúng ta xóa bỏ được các rào cản của sự phân biệt, chia cách giữa người với người. Chúng ta gây dựng được sự tôn trọng, kính ngưỡng với tất cả con người và vạn vật. Và một người làm giáo dục cũng phải nhìn thấy điều đó ở những người chúng ta đang muốn giáo dục, rằng tồn tại bên trong họ là những điều thiêng liêng cao đẹp mà chúng ta cần cúi đầu. Chúng ta với tư cách là giáo viên, là cha mẹ, là người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ hay thậm chí là cả xã hội, làm cách nào đó, phải vượt qua được những hình tướng bên ngoài để có cái nhìn sâu sắc về chính đứa trẻ – con người đó. Đó mới là nhiệm vụ chính của người làm giáo dục.
2. Thực hiện giáo dục toàn diện: CÁI ĐẦU, TRÁI TIM VÀ ĐÔI BÀN TAY.
Chúng ta có phần Thể chất, Tâm hồn và Tinh thần thì chúng ta cũng có 3 năng lực căn bản để hòa hợp các phần đó, đó chính là Ý chí – Tình Cảm – Suy nghĩ. 3 năng lực đó được biểu thì ở hình ảnh của 3 phần trên cơ thể con người: Tay chân – Trái tim – Cái đầu. Khi thực hiện các công tác giáo dục, chúng ta cần có một sự nhìn thấy các tác động của các vấn đề mà chúng ta đem đến đang đi vào phần nào của trẻ.
Một con người hoàn thiện là con người có được sự rõ ràng trong suy nghĩ, trong sáng trong cảm xúc và vững vàng trong ý chí. Khi chúng ta mang một bài học đến cho trẻ, chúng ta cần bồi bổ cả 3 phần này, chứ không chỉ là những kiến thức liên quan đến đầu óc mà giáo dục ngày nay đang mắc phải.
Ý chí là sự làm việc của đôi bàn tay. Đứa trẻ cần được tham gia, cần được trải nghiệm cuộc sống để có được các bài học thật sự chứ không phải trên sách vở. Đứa trẻ cần được sống trong môi trường có nhịp điệu tốt, thói quen tốt để nuôi dưỡng những hành vi tốt. Và đứa trẻ đôi khi cũng cần nếm trải một ít khó khăn, sự bất toại nguyện, một chút khổ đau để tôi luyện nên ý chí của mình.
Tình cảm là điều chi phối hầu hết đến đời sống của chúng ta . Đời sống tình cảm quyết định sự hạnh phúc hay khổ đau. Tình cảm cần sự ổn định với việc phát triển các cảm xúc lành mạnh. Công việc giáo dục phải lấy vấn đề này làm nền tảng. Những đứa trẻ cần bạn bè, cần tính xã hội, chúng cũng cần nghệ thuật và cái đẹp. Thông qua cánh cổng của cảm xúc, tình cảm, người làm giáo dục có thể khéo léo đưa đến các bài học cho trẻ và cũng là chữa lành cho trẻ.
Suy nghĩ rõ ràng là một điều giá trị bậc nhất trong đời sống của một con người. Không biết cách suy nghĩ thì cho dù xuất phát điểm của một con người có tốt đến đâu thì lối về vẫn tăm tối.Người biết suy nghĩ mới là người có khả năng làm chủ cuộc đời của mình Chúng ta không thể vội vàng trong việc giáo dục suy nghĩ. Nhồi nhét kiến thức là một trong những việc thui chột suy nghĩ. Tuy vậy, đó dường là công việc chính của giáo dục hiện nay. Ngày nay, kết quả giáo dục cho ta những con người rập khuôn lý thuyết. Trong khi, cái chúng ta cần là giáo dục những con người có khả năng suy nghĩ, bằng khả năng đó họ mới khai phá được chính mình và thế giới.
Những công việc làm với tay chân giúp mở mang đầu óc. Những công việc với tình cảm hài hòa các thái cực bên trong con người. Những công việc đầu óc khai phá lối cho trái tim và tay chân làm việc mạnh mẽ và tuyệt vời hơn. Chúng ta không thể giáo dục đúng đắn mà tách rời các phần này với nhau. Và bạn sẽ thấy điều này đậm chất trong mọi khía cạnh của giáo dục Steiner-Walodorf.
3. LÀM ĐIỀU ĐÚNG VÀO THỜI ĐIỂM ĐÚNG: Giáo dục dựa trên sự phát triển của trẻ.
Làm sao biết điều gì là đúng? Và làm sao biết thời điểm nào là đúng? Để giải quyết được các nghi vấn đó, giáo dục Waldorf – Steiner đem đến một hệ thống nền tảng triết lý về sự phát triển của trẻ qua các độ tuổi. Những giáo viên, cha mẹ, những người làm việc với trẻ cần phải nắm bắt các kiến thức này để làm xương sống cho quá trình giáo dục của mình.
Dù mỗi con người là một cá thể riêng biệt, tuy nhiên, xét trên khía cạnh hệ thống có những quy luật trong sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý của con người theo từng giai đoạn cụ thể. Xã hội thông thường cũng nhìn nhận con người trưởng thành vào những năm 21 tuổi, thì trong giáo dục Steiner cho thấy rõ về sự phát triển của tư duy, nhận thức. Trước 21 tuổi là giai đoạn mà những gì có thể tác động được đến 1 con người thông qua cái gọi là giáo dục. Tuy nhiên, sau 21 tuổi thì sự giáo dục là sự Tự giáo dục. Từ 0-21 tuổi, giáo dục con người chia làm 3 giai đoạn:
0-7 là sự phát triển của cơ thể vật lý.
7-14 là sự phát triển của tình cảm, cảm xúc.
14-21 là sự nở rộ của tư duy và suy nghĩ.
Bằng cách nắm bắt sự phát triển của trẻ một cách rõ ràng, chúng ta có các chỉ dẫn để có thể làm việc với trẻ một cách phù hợp. Tư duy là năng lực quan trọng bậc nhất của con người, thông qua tư duy con người có thể mở mang mình đến những mức độ cao nhất. Tuy nhiên, để hướng đến việc có được năng lực này vững vàng con người đó cần có một đời sống
4. Tự do trong dạy và học.
Giáo án của người giáo viên chính là những đứa trẻ. Công việc dạy và học luôn đến từ hai phía thầy và trò: cả hai cùng nhau bước đi trên con đường phát triển. Những gì mà người giáo viên mang đến cho những đứa trẻ của mình không phải từ một hệ thống kiến thức, kỹ năng ràng buộc nào mà chính từ sự thấu hiểu của họ về giai đoạn phát triển đó và đứa trẻ đó. Không có những cuốn sách giáo khoa, không có những bài giảng rập khuôn, người giáo viên được tự do trong việc dạy của mình. Tuy vậy, đó là một sự tự do đầy trách nhiệm, người giáo viên phải làm việc với chính mình mỗi ngày, nâng cao phẩm chất, tri thức và sự thấu hiểu của mình để có thể mang đến cho trẻ những điều tốt đẹp nhất. Đấy là ràng buộc duy nhất, ràng buộc tự thân bên trong người giáo viên. Cách người giáo viên làm việc trong cuộc đời, với công việc, với đồng nghiệp với những học trò là hình ảnh về con người với các phẩm chất cao đẹp. Một người giáo viên, bản thân anh ta, chính là bài học lớn nhất với trẻ.
Trong quá trình dạy dỗ, người giáo viên luôn có các cách thức sáng tạo để mang đến các bài học cho trẻ. Đứa trẻ luôn cảm thấy mình được thoải mái, mạnh khỏe. Đặc biệt, người giáo viên tốt là người không bao giờ kết luận các vấn đề gì, họ đã dẫn dắt và họ để vùng tự do kết luận đó cho những đứa trẻ. Họ để lại một nơi – ở đó những đứa trẻ thể hiện tính cá nhân của mình. Đó là sự tinh tế trong quá trình làm việc để có được những con người tự do trong suy nghĩ.
5. Gìn giữ truyền thống, văn hóa và bản sắc dân tộc.
Nền giáo dục Steiner – Waldorf hiện tại đã có mặt ở hơn 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đến với bất kì nền văn hóa nào, nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục Steiner – Waldorf cũng là cần hòa hợp với nền văn hóa đó. Truyền thông, văn hóa và bản sắc của dân tộc là tính cá nhân ở góc độ rộng lớn hơn, do đó, nó cũng là phần thiêng liêng cần được tôn trọng và giữ gìn. Một nền giáo dục thích hợp là một nền giáo dục mở mang được dân tộc mà không làm mất đi các bản sắc dân tộc.
Việc làm đậm bản sắc truyền thồng văn hóa dân tộc trong giáo dục Steiner là một việc làm cần nhiều thời gian. Nó đòi hỏi một sự thấm đẫm bên trong mỗi con người rằng cái gì là bản sắc văn hóa của dân tộc ?
Trên khắp đất nước Việt Nam, rất nhiều các giáo viên Steiner – Waldorf đang miệt mài nghiên cứu ngày đêm để có thể làm được điều tuyệt vời đó. Giáo dục Steiner đến gõ cửa, buộc chúng ta phải nhìn nhận lại các giá trị của chính mình hơn là chạy theo xu hướng sính ngoại. Truyền thống, văn hóa và bản sắc là gốc rễ, là cội nguồn của mỗi con người. Không biết cách quay về với gốc rễ sẽ biến chúng ta thành những đứa con hoang lạc. Giữ được bản sắc của dân tộc là giữ được bản sắc của chính mình, từ đó màu sắc và hương thơm riêng biệt của chúng ta mới tỏa rạng.