“Nếu một đứa trẻ khi chơi có khả năng sống hết mình với thế giới xung quanh, đứa trẻ đó sẽ có thể, khi đối diện với những nhiệm vụ lớn sau này trong cuộc đời, tự tin cống hiến mình cho các nhiệm vụ của thế giới.” – Rudolf Steiner –
Chúng ta luôn muốn dạy biết cái này cái kia nhưng lại không biết rằng trẻ sẽ lặng lẽ học được cách thực hiện thông qua những trải nghiệm của bản thân. Quá trình nhận thức, trưởng thành của trẻ gắn liền với tất cả những điều thực tế mà trẻ tiếp xúc.
“Con tôi được học gì ở trường này?” Đó là câu hỏi mà chúng ta thường nhận được khi trò chuyện với các phụ huynh đến tìm hiểu trường. Một số giáo viên Steiner khá thẳng thắng họ sẽ trả lời: “Bé không học gì cả”. Một số phụ huynh thoạt nghe cũng thấy khá ngạc nhiên. Tuy nhiên, “Không học gì không có nghĩa là không học gì”. Có một cuốn sách khá nổi tiếng có tựa đề như thế này: Tất Cả Những Gì Cần Biết Tôi Điều Đã Học Ở Lớp Mẫu Giáo. Giai đoạn thơ ấu hình thành nên cho bạn rất nhiều khái niệm về cuộc sống và con người mà nó sẽ theo suốt bạn trong những quãng đời còn lại.
Hãy suy ngẫm cuộc đời của chính mình để thấy, những gì bạn học được từ Tiểu học cho đến Đại học, bạn ghi nhớ và vận dụng được bao nhiêu trong cuộc sống của mình. Trong khi đó, những kiến thức “thế nào là cuộc sống của con người” – hãy nghĩ xem bạn đã học tất cả những điều đó từ khi nào? Những khái niệm về cuộc sống xung quanh đơn giản từ “chúng là cái gì?- cái bàn, cái ghế, con chó, con mèo,…”, cho đến chúng như thế nào? Chúng để làm gì? Chúng ta quan hệ gì với chúng?… cả triệu thứ như vậy. Nghĩ xem những điều đó chẳng phải chúng ta đã học được chỉ trong 1 vài năm đầu đời hay sao?
Một trò chơi đóng vai làm thợ xây chẳng hạn, nó có rất nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ. Việc một đứa trẻ đóng vai lại một nghề nghiệp nào đó trong quá trình chơi đùa có nghĩa là các con đang thực hiện công việc tiêu hóa khái niệm “người thợ xây” đó. Đó là một tiến trình học tập rất sâu sắc.
Một em bé có khả năng quan sát rất sâu, các em quan sát rất tập trung và đầy hứng thú. Các em hào hứng với tất cả những điều đang diễn ra xung quanh mình. Một con ốc sên bò trên lá, một vũng bùn sau cơn mưa, một tiếng chim hót trong vườn,… em thu nhận tất cả những điều đó vào người với đầy hứng thú. Nhưng rồi người lớn đến và mong muốn các em phải biết chữ sớm, biết ngoại ngữ sớm, biết đàn hay, múa giỏi, biết nhiều kiến thức khoa học,….
Tại sao chúng ta lại cần đứa trẻ phải biết đọc chữ sớm, viết chữ sớm? Trong khi vào thời buổi này, có ai lớn lên mà không thể biết đọc và biết viết.
Tại sao chúng ta lại cần đứa trẻ phải chất chứa nhiều kiến thức trong đầu? Trong khi điều căn bản nhất là chơi đùa và vui vẻ thì chúng không thể.
Tại sao chúng ta lại muốn con mình giỏi vẽ, giỏi đàn, giỏi hát hay nổi trội về khía cạnh nghệ thuật trong khi chúng ta đè nặng lên trẻ bao áp lực về tâm hồn?
Chúng ta, có phải, đang ngăn cản những sự học hỏi tốt đẹp của các con mà thay vào đó bằng những sự học đầy áp đặt và kì vọng? Tất cả những điều chúng ta đã được học một cách áp đặt và máy móc trong suốt cuộc đời của mình, tất cả đều trở thành những nỗi ám ảnh, những gông xiềng thay vì khai mở năng lực và khiến chúng ta trở nên hạnh phúc.
Vậy giáo án của mầm non là gì?
GIÁO ÁN ĐÓ CHÍNH LÀ CUỘC SỐNG.
Đó chính là lý do tại sao trong giáo dục mầm non Steiner các công việc của con người được chú trọng thay cho sách vở và các giảng giải lý thuyết. Làm vườn, giặt giũ, nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc vật nuôi, thu hoạch,… Trẻ sống giữa những người lớn đang làm những công việc xây dựng đời sống. Đây là cuộc sống của con người. Sự lao động này, sự chăm lo cho cuộc sống này tất cả là những bài học vô cùng sống động và sâu sắc về cách mà một con người cần tồn tại. Đó chính là điều cần học lớn nhất. Sống một cuộc sống đầy sống động.
Tất cả những gì chúng ta cần hướng đến trong “một bộ giáo án” của mầm non đó gieo vào trong trẻ niềm hứng thú với thế giới. Làm được như vậy là đã đủ vốn liếng cho cả quá trình học hỏi những năm sau này của trẻ.