Chữ viết là hệ thống các ký tự, biểu tượng được ghi lại dưới dạng văn bản, là 1 cách biểu đạt khác của ngôn ngữ cùng với lời nói, hình ảnh nhằm mục đích mô tả, diễn giải về sự vật, hiện tượng.
Thế nhưng, chữ viết không chỉ là những ký tự, những biểu tượng của sự mặc định, của sự sao chép và hay tùy tiện. Mỗi nét chữ mang đậm giá trị lịch sử đằng sau nó, với những ý nghĩa phản chiếu thế giới một cách độc đáo, sâu sắc. Và đứa trẻ cần được tiếp cận chữ viết theo một cách đúng đắn với đầy đủ những phẩm chất của chữ viết.
Thông qua ngôn ngữ chữ viết thế giới tâm hồn và nhận thức của mỗi người được bộc lộ một cách sinh động, phong phú và vô hạn.
Cũng như ngôn ngữ cử chỉ, ngôn ngữ lời nói, thì ngôn ngữ chữ viết cũng được Trẻ tiếp nhận và học hỏi theo lộ trình cùng với sự phát triển của trẻ.
Ở độ tuổi lên 4, đứa trẻ đã có thể nhận thức được các biểu tượng, đường nét…tuy nhiên lại chưa phải thời điểm phù hợp để Trẻ tiếp nhận về hệ thống chữ cái (việc học chữ sớm vào thời điểm này là lãng phí nguồn lực đáng ra dành cho việc phát triển thể chất của trẻ). Cho đến tuổi lên 5, dường như đứa trẻ nếu được giới thiệu về chữ cái, chúng sẽ tô vẽ những đường nét mô phỏng chứ chưa hề có ý niệm về viết chữ. Qua độ tuổi lên 5 – ở ngưỡng lên 6 và 7 khi nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh trở nên phong phú, cấu trúc hệ cơ xương khớp vùng tay hoàn thiện cứng cáp hơn, đứa trẻ có khả năng tập trung, ghi nhớ, phân biệt và hình dung …đó là lúc chữ viết được khuyến khích giới thiệu tới trẻ với đầy sự hứng thú và say mê.
Một số hình ảnh của lớp tiền tiểu học tại Sunflower Steiner
Việc dạy chữ cho trẻ, không đơn thuần là luyện nét, đồ khối, hay tạo ra các hình dạng chữ cái riêng lẻ. Điều quan trọng cần được quan tâm chính là điều gì xảy ra trong đời sống tâm hồn trẻ khi chúng được hiện diện với những dấu hiệu vô nghĩa trở nên sống động, đầy ắp màu sắc và có ý nghĩa. Để rồi khi chúng được biết chính những biểu tượng này là đại diện, là gọi tên của một từ ngữ đặc biệt mà chúng đã được nghe – và giờ thì chúng đã được hiểu. Với trẻ, đó là sự khám phá, một phát hiện, một sự mở ra đầy thú vị.
Rồi chúng cũng sẽ có được trải nghiệm từ 1 tờ giấy trắng được làm đầy bằng những chữ cái từ nguệch ngoạc cho tới thẳng thớm, xinh xắn và bắt đầu cảm nhận cả những âm thanh, hình ảnh rất đáng chú ý đằng sau mỗi chữ viết, mỗi từ ngữ tự tay chúng tạo thành.
Bạn thật sự muốn thấy thành tựu là những nét chữ tròn vành, rõ nét được sao chép, tô đồ chuẩn chỉnh sau nỗ lực uốn nắn có phần vất vả với con.
Hay bạn muốn chứng kiến cả một quá trình đứa trẻ được phép tô vẽ những đường màu nguệch ngoạc, được trải đầy cả thế giới tâm hồn với những màu sắc, hình khối, và đủ thứ ý nghĩa chúng mô tả về những chữ cái, để rồi dần dần những chiếc chữ to cong queo dần dần được nhỏ lại nhỏ lại, dần dần được ngay ngắn, uốn nắn, dần dần trở nên lề lối và được đọc lên dõng dạc, rõ ràng…
Việc học chữ với trẻ cũng là một nghệ thuật, để mang đến những ấn tượng về ý nghĩa tuyệt vời ẩn chứa bên trong từng chữ cái, từ ngữ, trong sự kết hợp của chúng khi đứng cạnh nhau, và trẻ cũng cần được học về chữ để viết với vẻ đẹp và sự tận tâm.
Đó cũng là cách những đứa trẻ Steiner được “Học về chữ” trong những ngày hè rộn rã này.